Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tránh lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu

(PLVN) -  Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định 10 trường hợp “chỉ định thầu”. Theo Ủy ban Ngân sách Tài chính Quốc hội, cần phải giới hạn bớt các trường hợp chỉ định thầu, tránh lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi)

Hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí mời thầu

Sáng nay (7/11), trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; Mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh... Ngoài ra, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

Việc xây dựng dự án Luật này hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Những quy định sửa đổi, bổ sung trong Luật nhằm đảm bảo hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế; Hoàn thiện quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi cũng bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng; Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng đối với các gói thầu có các điều kiện đặc thù hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện;

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

Thu hẹp phạm vi các trường hợp chỉ định thầu

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội (Ủy ban TCNS) Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Riêng đối với quy định về chỉ định thầu, Ủy ban NSTC cho rằng: “Dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Ủy ban TCNS cho rằng, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định về những vấn đề đặc biệt, không bảo đảm công khai, minh bạch… Đồng thời rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Do vậy, dự thảo cần giới hạn các trường hợp chỉ định thầu. Việc áp dụng chỉ định thầu chỉ sử dụng với các trường hợp đặc thù như dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.

Về quy định chỉ định thầu đối với “Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”, Ủy ban TNCS cho rằng Chính phủ cần đánh giá sâu, rộng về quy định này để có quy định chặt chẽ. Vì nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn tới các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước thì chỉ định thầu, chỉ những dự án nhỏ lẻ, vốn ít thì bắt buộc đấu thầu như vậy sẽ không bảo đảm mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Đấu thầu.

Vấn đề đặt ra là với công trình lớn cần chuẩn bị dự án từ sớm (nhiệm kỳ này chuẩn bị để triển khai thực hiện dự án trong nhiệm kỳ sau), tránh việc phê duyệt gấp gáp và đặt ra yêu cầu chỉ định thầu. Thực tế thời gian vừa qua Quốc hội chỉ cho phép chỉ định thầu đối với dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là tình huống cấp bách trong bối cảnh ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Theo đó, đề nghị quy định thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu”./.

Đọc thêm