Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người: Chú trọng hỗ trợ để nạn nhân không bị tái mua bán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được xem là vấn nạn mang tính toàn cầu. Ở phạm vi quốc tế, cộng đồng quốc tế đã và đang cố gắng xây dựng nhiều văn kiện pháp lý và các nỗ lực trong hoạt động liên quan. Ở phạm vi quốc gia, Chính phủ Việt Nam những năm gần đây có những nỗ lực đáng kể nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nạn mua bán người, thể hiện ở việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật quan trọng liên quan và mới đây nhất là tiến trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người.
Diễu hành cổ động kêu gọi nhân dân hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2019. (Ảnh bocongan.gov.vn).
Diễu hành cổ động kêu gọi nhân dân hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2019. (Ảnh bocongan.gov.vn).

Vấn nạn toàn cầu

Ngày 12/7/2024 vừa qua, các lực lượng chức năng đã đưa 7 nạn nhân bị lừa bán sang Lào về đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) an toàn. Các nạn nhân được giải cứu lần này gồm 5 nam, quê quán ở huyện Con Cuông và 2 nữ ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Qua điều tra xác minh, đầu tháng 3/2024, các nạn nhân có biết một người phụ nữ thông qua mạng xã hội ở bên Lào dụ dỗ làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Thái Lan bán vé số, mỗi tháng trả 17 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang Lào, các nạn nhân được đưa đến Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào) làm việc với hình thức lập các tải khoản Zalo, App Walmark, Facebook ảo, tổ chức lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản.

Mỗi ngày chúng cưỡng bức các nạn nhân phải làm việc từ 13 đến 18 tiếng. Nhận thấy đây là việc làm sai trái với pháp luật, các nạn nhân đã tìm cách liên lạc về với gia đình làm đơn cầu cứu lực lượng bộ đội biên phòng. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã giải cứu 5 vụ với 27 nạn nhân; phối hợp các lực lượng chức năng giải cứu 4 vụ với 14 nạn nhân; tiếp nhận từ lực lượng chức năng Lào trao trả 2 vụ với 59 nạn nhân, đều bị lừa ra nước ngoài với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”....

Mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được xem là vấn nạn mang tính toàn cầu. Do tính chất xuyên quốc gia của hoạt động mua bán người mà việc đấu tranh phòng, chống mua bán người hiện nay không còn nằm trong phạm vi một quốc gia hay giới hạn ở một khu vực nào mà đang được toàn thế giới tích cực phối hợp thực hiện.

Ở phạm vi quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế liên quan đến phòng, chống buôn bán người, đặc biệt phải kể đến là Nghị định thư không bắt buộc về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC); Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP).

Ở phạm vi quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm phòng ngừa và ngăn chặn nạn mua bán người. Điều này thể hiện ở việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số đạo luật quan trọng, như Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 150 và Điều 151 BLHS; đặc biệt, tại thời điểm hiện nay, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua với nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn, hiệu quả hơn yêu cầu của thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; trong việc xác minh, xác định, hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đồng thời bảo đảm sự hài hòa, tương thích hơn với chuẩn mực quốc tế để thuận lợi cho quá trình hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, tiến tới khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân

Ảnh minh họa. Nguồn Seymour Johnson Air Force Base.

Ảnh minh họa. Nguồn Seymour Johnson Air Force Base.

Ngày 7/6/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật tập trung vào các nội dung cơ bản như: bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân...

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, đây là nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ, bảo vệ. Việc bổ sung những quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi tiếp nhận những đối tượng này thực hiện các chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (như ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, ổn định tâm lý) cho họ.

Cùng với đó, bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành gồm: tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý; khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; tất cả nạn nhân được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; nếu có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

“Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới”, Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Ngày 24/6/2024, tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV Quốc hội dự thảo Luật đã nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về các vấn đề quan trọng của dự án luật, trong đó có vấn đề hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của vấn nạn mua bán người.

Quan tâm tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người. Đại biểu cho rằng việc bổ sung đối tượng này là một chính sách quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung nạn nhân là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bởi rất nhiều trường hợp, ngay trong các doanh nghiệp cũng có thể có cưỡng bức lao động.

Theo Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận về chính sách về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân, khoản 2 Điều 43 dự thảo Luật quy định: “Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”. Với chính sách này, cần rà soát xem có bảo đảm tính thống nhất về đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách hiện nay hay không, tránh trường hợp luật này quy định nhưng không phù hợp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ học văn hóa đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân. Đặc biệt, lên án hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, tại khoản 10 Điều 3 dự thảo Luật quy định: Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng việc xác định dấu hiệu, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử và chế tài xử phạt trong thực tế là khó khăn, do đó đề nghị nghiên cứu thay đổi hành vi trên thành hành vi khác có tính chất tương đồng với tội làm nhục người khác...

Đọc thêm