Chia sẻ quan điểm của mình về dự thảo Luật, GS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 2) quy định chưa rõ và chưa bao quát được đối tượng chính là thanh niên.
Theo ông, dự án Luật muốn theo hướng để điều chỉnh những vấn đề về phát triển thanh niên thì phải đặt đối tượng thanh niên làm trung tâm. Tuy nhiên, những quy định, những chính sách cho phát triển thanh niên đưa sau cùng và còn mờ nhạt, không rõ.
Theo GS Trần Ngọc Đường, thanh niên cũng là công dân và cũng như những người khác được pháp luật điều chỉnh. Vì thế, Luật Thanh niên nên chọn những quy định nào để giúp thanh niên phát triển trong điều kiện hiện nay. Do đó, GS Đường đề nghị dự thảo Luật tập trung điều chỉnh vào 4 nhóm của thanh niên.
Thứ nhất là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên. Nhóm thứ 2 là trách nhiệm của tổ chức thanh niên như hội, đoàn thể đối với sự phát triển thanh niên.
Nhóm thứ 3 là trách nhiệm của gia đình, nhà trường với phát triển của thanh niên. Nhóm thứ 4 là trách nhiệm của nhà nước để thanh niên phát triển, gắn với việc tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên…