Hôm qua (17/4), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tọa đàm thông tin khoa học về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, chuyên gia thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện Ban soạn thảo và các thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý trong Dự thảo Luật XLVPHC.
|
Xử phạt hành chính đối với người vi phạm an toàn giao thông. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Áp dụng các biện pháp XLHC phải qua phiên xử đầy đủ
So với Pháp lệnh XLVPHC hiện hành, Dự thảo Luật XLVPHC vẫn quy định có 4 biện pháp XLHC, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nhưng điểm mới của Dự thảo Luật là biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh sẽ không còn áp dụng đối với người bán dâm. Đặc biệt hơn cả là thẩm quyền áp dụng các biện pháp trên sẽ do TAND cấp huyện xem xét quyết định.
Theo tinh thần đó, Dự thảo Luật quy định cơ quan hành chính có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị, tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp XLHC; giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét quyết định việc áp dụng các biện pháp XLHC tại tòa án. Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi của việc chuyển giao và chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận, hiệu lực đối với phần quy định liên quan đến vấn đề này được lùi lại sau 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Giới thiệu một số nội dung của Dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết, việc giao thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho tòa án được rất nhiều ý kiến đồng tình. Ông Luyến phân tích: “Xét về bản chất, các biện pháp trên là những biện pháp cưỡng chế nhà nước, hạn chế quyền tự do của công dân, cần được xem xét quyết định theo một trình tự, thủ tục tư pháp đúng với tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp”.
GS-TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) hoan nghênh những quy định tiến bộ nêu trên của Dự thảo Luật nhưng lại bày tỏ băn khoăn về việc giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét quyết định việc áp dụng các biện pháp XLHC tại tòa án, bởi đã quan niệm là giới hạn quyền tự do thì phải bằng một phiên xét xử đầy đủ của tòa án theo thủ tục tư pháp thường. Còn trong trường hợp vẫn giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Dung kiến nghị phải bổ sung thêm một số quy định như sự tham gia của luật sư, việc kháng nghị của bị can, bị cáo…
“Nới tay” hơn với tiền xử phạt VPHC
Theo quy định tại Pháp lệnh XLVPHC, tiền phạt thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và nghiêm cấm việc sử dụng tiền thu được từ xử phạt VPHC, từ bán tang vật, phương tiện tịch thu để trích thưởng. Tiếp thu Pháp lệnh XLVPHC, Dự thảo Luật đã giữ nguyên tinh thần của các quy định này.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các quy định của Pháp lệnh đã bãi bỏ việc trích lập Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật theo Quyết định số 180-TTg ngày 22/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động khi không được bổ sung kinh phí kịp thời từ nguồn thu do xử lý các vụ vi phạm (gồm tiền thu từ xử phạt VPHC và tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu). Trong khi ấy, các lực lượng chức năng không thể lập dự toán chính xác nhu cầu kinh phí cho hoạt động chống các hành vi VPHC, nhất là những khoản chi luôn gắn với thực tế phát sinh trong quá trình bắt giữ và xử lý vi phạm.
Vì vậy, nhằm bù đắp chi phí phát sinh trong việc xử phạt VPHC, hỗ trợ khuyến khích đối với lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động xử phạt cũng như giải quyết những vướng mắc đang tồn tại cho lực lượng xử phạt, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính kiến nghị: “Việc quản lý, sử dụng tiền thu từ XLVPHC để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng là phù hợp với đặc thù hoạt động XLVPHC, nhất là các ngành xảy ra nhiều vi phạm như giao thông, an ninh, trật tự, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại”.
Hoàng Thư