Dự thảo Nghị định về Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ: Bộ Công an đề xuất chi hỗ trợ nạn nhân tai nạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về nguồn hình thành, hoạt động chi, thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Theo đó, đề xuất chi hỗ trợ nạn nhân TNGT đường bộ không quá 10 triệu đồng/người chết, 5 triệu đồng/người bị thương; người giúp đỡ người bị TNGT được nhận 3 triệu đồng.
Việc lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tập trung cho công tác hỗ trợ nạn nhân TNGT. (Ảnh minh họa)
Việc lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tập trung cho công tác hỗ trợ nạn nhân TNGT. (Ảnh minh họa)

TNGT đường bộ tuy đã được kiềm giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, mỗi năm gây thiệt hại không nhỏ cả về người và tài sản, đa số nạn nhân của TNGT đang ở độ tuổi lao động, là trụ cột, nguồn thu nhập chính của gia đình vì TNGT mà mất đi hoặc mang thương tật vĩnh viễn suốt đời; việc khắc phục hậu quả tai nạn gây tốn kém chi phí điều trị, duy trì ổn định gia đình, người dân mất phương tiện đi lại, sản xuất, dẫn đến nhiều gia đình đã gặp những hoàn cảnh khó khăn và để lại nhiều hệ lụy, gánh nặng cho xã hội.

Bên cạnh đó, công tác đề phòng, hạn chế tổn thất TNGT đường bộ, hỗ trợ các hoạt động tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, truyền thông thay đổi hành vi của người tham gia giao thông… còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách hoặc từ các nguồn hoạt động xã hội của doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính phủ ngoài nước, dẫn đến không tập trung, đồng bộ, không có chiến lược toàn diện trong tổ chức thực hiện các hoạt động này.

Việc lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tập trung cho công tác hỗ trợ nạn nhân TNGT và những hoạt động bảo đảm ATGT tự nguyện, chưa được NSNN hỗ trợ. Do vậy, cần huy động tất cả những nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho quỹ để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ; hỗ trợ việc phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại và khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra.

Đồng thời, xuất phát từ thực tế này, ngày 27/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ số 36/2024/QH15 (có hiệu lực từ 1/1/2025) đã bổ sung một nội dung mới đó là lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Theo đó, Bộ Công an đề xuất 3 nội dung chi của Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ gồm: Hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do TNGT đường bộ gây ra. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị TNGT đường bộ đi cấp cứu. Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các hoạt động làm giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Về mức chi, Bộ Công an cho biết dự thảo không quy định các mức chi đã được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật khác mà chỉ quy định các mức chi có tính chất đặc thù của công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ.

Cụ thể, mức chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị TNGT đường bộ, gia đình có nạn nhân bị chết trong các vụ TNGT đường bộ: Chi hỗ trợ không quá 10 triệu đồng đối với 1 người chết; không quá 5 triệu đồng đối với 1 người bị thương.

Mức chi thăm hỏi không quá 5 triệu đồng đối với 1 nạn nhân bị thương, gia đình có nạn nhân bị chết do TNGT đường bộ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”.

Mức chi hỗ trợ không quá 3 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân có thành tích giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị TNGT đường bộ đi cấp cứu và được cơ quan quản lý nhà nước về trật tự, ATGT từ cấp tỉnh trở lên khen thưởng.

Mức chi hỗ trợ không quá 2 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân thường xuyên tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Bày tỏ quan điểm về đề xuất nêu trên, bà Trần Thị H.T (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết: “Dân tộc ta từ trước đến nay vẫn luôn có tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”, đây là truyền thống văn hoá tốt đẹp qua bao thế hệ. Giờ Bộ Công an đề xuất chi hỗ trợ không quá 10 triệu đồng đối với 1 người chết; không quá 5 triệu đồng đối với 1 người bị thương, dưới một khía cạnh nào đó cũng là sự kế thừa, phát huy nét đẹp của người Việt, tôi thấy rất hợp lý và nên triển khai, thực hiện”.

Ông Hoàng Tuấn Anh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) nói: “Quy định này quá tốt, người dân chúng tôi không may bị gặp nạn mà lại được hỗ trợ như vậy thì biết ơn Đảng và Nhà nước quá”.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Hằng (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) cho rằng: “Hỗ trợ là việc đúng, nên làm nhưng cần có quy định cụ thể và xác định rõ trường hợp nào được hỗ trợ, trường hợp nào không, tránh cào bằng, đồng nhất mức hỗ trợ giữa nặng - nhẹ, lỗi - không có lỗi và các đặc điểm về nhân thân khác”.

Đọc thêm