Sẽ điều chỉnh thêm 2 nhóm chủ thể
Theo Dự thảo Luật PCTN sửa đổi mới nhất được Chính phủ thông qua trình Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật – Thanh tra Chính phủ - đã đưa ra phương án điều chỉnh đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và đối với tổ chức xã hội. Cụ thể, với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, Dự thảo quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư.
Đây là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tích rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích và đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý. Bên cạnh đó, việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay. Còn với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước khác, Dự thảo chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.
Đối với tổ chức xã hội, Dự thảo quy định áp dụng đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ. Theo đó, các tổ chức này có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của tổ chức mình. Đối với tổ chức xã hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân còn phải bắt buộc thực hiện chế định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật này nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, người đóng góp và các thành viên, hội viên.
Ngoài ra, Dự thảo quy định cả hai nhóm chủ thể trên tự tổ chức việc thực hiện các biện pháp PCTN và đưa ra các hình thức xử lý phù hợp khi có vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN theo thẩm quyền. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Dự thảo Luật tại kỳ họp tháng 11/2016 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2017.
Không nên quá “ám ảnh” bởi pháp luật hình sự
Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhân dân, có quan điểm cho rằng, tiếp cận PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước theo Dự thảo là chưa triệt để. Quan điểm khác lại cho rằng chưa cần đề cập đến PCTN ngoài khu vực nhà nước. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa vấn đề trên là một trong các nội dung còn ý kiến khác nhau để trình Quốc hội thảo luận và quyết định. Và đây tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo tham vấn thực trạng pháp luật về PCTN trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam diễn ra hôm qua (30/9) do Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh phối hợp tổ chức.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh lý giải, Dự thảo Luật có quy định mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước nhưng với “liều lượng nhất định”, chủ yếu là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng. Còn các doanh nghiệp khác chỉ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng ngừa, công khai, minh bạch.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn trước dự kiến mở rộng sang khu vực “tư”. Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn lo ngại sẽ xảy ra 3 nguy cơ của dự kiến này là nguy cơ không đủ nguồn lực, nguy cơ lạm quyền, có thể tạo sự nghi ngờ do cho rằng “PCTN khu vực công chưa xong còn mở rộng sang khu vực tư”. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực của khu vực tư lại không nằm trong Luật PCTN nên ông Tuấn đề xuất tăng cường thiết chế tòa án, trọng tài để giảm tham nhũng trong khu vực tư.
Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Đinh Văn Minh thì đề nghị cân nhắc việc mở rộng PCTN sang cả tổ chức xã hội bởi ông quan niệm, tham nhũng dứt khoát phải có sử dụng quyền lực công để được lợi ích cho cá nhân. Theo ông Minh, không nên quá “ám ảnh” về tội danh liên quan của Bộ luật Hình sự, nếu không lo lắng rằng những hành vi lừa đảo của một số cá nhân cũng là hành vi tham nhũng có thể trở thành hiện thực.