Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng.
Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã phát huy vai trò và hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong suốt 15 năm qua. Qua đó, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả triển khai trên thực tế của công tác này. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân cũng như tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian tới tiếp tục có những biến đổi, phức tạp, công tác PBGDPL đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc. Để đáp ứng yêu cầu đó, việc xây dựng dự thảo Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 32 là hết sức cần thiết, mang tính cấp bách.
Dự thảo Chỉ thị hiện đang trong quá trình lấy ý kiến của Ban Cán sự các bộ, ngành liên quan. Theo đó, dự thảo đề xuất 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có một số điểm mới. Cụ thể, dự thảo Chỉ thị tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác PBGDPL. Đồng thời bổ sung quy định về việc đa dạng hoá, huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác PBGDPL; tăng cường nhận thức, hiểu biết pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật công khai, minh bạch, công bằng, nghiêm minh.
Một điểm mới quan trọng của dự thảo đó là việc xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương trong việc chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức, thực hiện công tác PBGDPL đối với chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trung ương. Quy định này sẽ làm sâu sắc hơn trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành của các bộ, ngành ở cấp trung ương.
Bên cạnh những hình thức, cách thức triển khai PBGDPL truyền thống, dự thảo Chỉ thị đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Dự thảo cũng quy định việc đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu quản lý nhà nước về PBGDPL bảo đảm linh hoạt, thống nhất, hiệu quả về hoạt động thông tin, PBGDPL trên phạm vi toàn quốc.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao công tác tham mưu, triển khai công việc của Vụ PBGDPL cũng như đầu tư hồ sơ, tài liệu kỹ lưỡng, có bài bản, có chất lượng. Đồng thời đề nghị dự thảo Chỉ thị cần ngắn gọn hơn nhưng vẫn phải bảo đảm về mặt nội dung; tập trung, làm đậm nét những điểm mới của dự thảo, đặc biệt là trách nhiệm của Ban Cán sự đảng, đoàn thể, nhất là các Thành ủy, Tỉnh ủy, qua đó xác định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ địa phương trong việc thực hiện công tác PBGDPL đối với chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành Trung ương.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu dự thảo Chỉ thị mới phải có những giải pháp, hướng đi mới hiệu quả hơn, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại ở Chỉ thị số 32, đưa công tác PBGDPL lên tầm cao mới, chất lượng hơn. Thứ trưởng cũng đề nghị dự thảo Chỉ thị phải làm sao đặt ra yêu cầu với từng cán bộ, Đảng viên; hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân trong công tác PBGDPL; sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để triển khai, thực hiện.