“Đưa cuộc sống vào pháp luật” thì pháp luật mới vào cuộc sống

(PLO) - Sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng pháp luật sẽ không thể phát huy được hết giá trị mong muốn nếu công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) chưa đạt được hiệu quả. 
Hình minh họa

Để thực hiện bước chuyển hướng chiến lược “hoàn thiện và tổ chức THPL” mà Đảng chỉ đạo thì rất cần tiến hành đồng bộ các giải pháp được nhiều ý kiến tâm huyết đề xuất.

Vẫn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển 

Để thấy được ý nghĩa vô cùng quan trọng của công tác tổ chức THPL, có thể lấy minh họa về việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Việc phát triển này là rất cần thiết, nhưng lựa chọn hướng điều chỉnh nào để đem lại hiệu quả cao nhất?

Luật  BHYT đã quy định theo hướng ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên. Đây là một hướng đi đúng đắn, đã giúp chúng ta thành công trong việc thực hiện chủ trương BHYT toàn dân, với kết quả năm 2017 vừa qua có 86,4% dân số tham gia BHYT, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Từ một ví dụ nhỏ nêu trên, có thể thấy toàn cảnh công tác tổ chức THPL trong những năm qua đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả quan trọng.

Vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, công tác tổ chức THPL vẫn còn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển, bộc lộ những tồn tại, hạn chế. 

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn thẳng thắn chỉ ra những bất cập như tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn khá phổ biến. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc tổ chức THPL có lúc, có việc còn lỏng lẻo, tính răn đe, giáo dục chưa cao. Cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức THPL chưa đồng bộ, có lúc còn phân tán, có nơi còn cục bộ. Cơ chế để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát THPL chưa được phát huy…

Đáng buồn là tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để đang diễn ra tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và tình trạng này thậm chí diễn ra ngay trong chính đội ngũ công chức, viên chức.

Trong quá trình tổ chức THPL chưa có giải pháp hiệu quả, mang tính hệ thống để đạt được mục tiêu trên thực tế. Hậu quả là nhiều đạo luật dù tư tưởng, tinh thần có tiến bộ nhưng đi vào cuộc sống rất chậm, rất khó do thiếu các điều kiện cơ bản bảo đảm cho việc thực hiện, thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, xử lý, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đạo luật sau khi đã có hiệu lực thi hành.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để khắc phục, ông Sơn cho rằng phải xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả hàng loạt giải pháp chủ yếu. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức THPL nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác tổ chức và theo dõi THPL; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, tiến tới đề xuất chính sách với Chính phủ, Quốc hội đề nghị xây dựng, ban hành Luật về tổ chức THPL.

Tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác tổ chức và theo dõi THPL thì phải đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng mô hình cộng tác viên trong lĩnh vực tổ chức và theo dõi THPL…

Ở góc độ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, Quốc hội cũng có vai trò nhất định trong công tác tổ chức THPL.

Chia sẻ mục tiêu của THPL và tổ chức THPL, ông Thành dẫn một trong những câu nói “kinh điển” là phải “đưa pháp luật vào cuộc sống”, tức luật được ban hành, nhưng phải xử lý được, đáp ứng được yêu cầu đời sống xã hội, được xã hội và mọi cá nhân đồng tình, chấp thuận thực hiện. 

Tuy  nhiên, đối với Quốc hội, để có thể bảo đảm thực hiện được mục tiêu này, ông Thành nhấn mạnh, trước hết đòi hỏi phải “đưa cuộc sống vào pháp luật”, tức luật ban hành phải phù hợp với thực tế cuộc sống và xử lý, giải quyết được những yêu cầu mà đời sống xã hội đã đặt ra.

“Những yêu cầu trên đặt ra đối với Quốc hội trong toàn bộ quá trình từ khâu thẩm tra (do các cơ quan của Quốc hội thực hiện), xem xét, cho ý kiến (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội) cho đến xem xét, biểu quyết thông qua (Quốc hội) các văn bản luật. Có như vậy thì văn bản luật do Quốc hội ban hành mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả điều chỉnh, mới đưa được vào cuộc sống” – ông Thành đúc rút.

Đọc thêm