Bổ khuyết chỗ trống của hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp
Đánh giá chung trong thời gian thí điểm cho thấy, chế định TPL đã có những tác động kinh tế - xã hội tích cực theo đúng mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, được khẳng định từng bước trên thực tế; góp phần giảm tải công việc của các tòa án và cơ quan thi hành án (THA). TPL cũng bổ khuyết chỗ trống của hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp, tạo thêm cho người dân khả năng chủ động lựa chọn phương thức thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Kết thúc thí điểm, ngày 26/11/2015 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/NQ-QH. Trong đó, giao Chính phủ phối hợp với TANDTC, VKSNDTC triển khai thực hiện Nghị quyết này và chuẩn bị dự án Luật TPL, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV; đồng thời quy định các tổ chức TPL tiếp tục hoạt động theo các Nghị quyết của Quốc hội cho đến khi Quốc hội ban hành Luật TPL.
Việc xây dựng Luật TPL được mong muốn là điều kiện cơ bản, nền tảng nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy để nghề TPL phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THA, bổ trợ tư pháp theo con đường cải cách do Đảng, Nhà nước khởi xướng và dẫn dắt vì mục tiêu ích nước, lợi dân.
Những chính sách cơ bản cần có
Từ định hướng trên, quá trình nghiên cứu xây dựng dự án Luật TPL, nhiều chuyên gia cho rằng cần bao hàm một số chính sách cơ bản để đảm bảo phát triển bền vững nghề TPL. Một trong những nội dung chính sách được đề cập nhiều nhất là nên tăng thẩm quyền của TPL. Theo đó, muốn tiến hành thành công mục tiêu xã hội hóa công tác THA thì điều tiên quyết là TPL phải có thẩm quyền ngang bằng với chấp hành viên trong mọi hoạt động THA để TPL có thể tổ chức THA hiệu quả, kể cả trong trường hợp phải huy động lực lượng bảo vệ; giao thẩm quyền của TPL thi hành phán quyết của trọng tài thương mại, thỏa thuận hòa giải thương mại.
Ngoài ra, phân định phạm vi công việc THA giữa văn phòng TPL và cơ quan THA dân sự theo hướng ban đầu là cơ quan THA làm những án chủ động, án thu hồi tài sản cho Nhà nước. Còn TPL làm những án theo đơn yêu cầu của cá nhân, tổ chức (toàn bộ hoặc theo các tiêu chí nhất định như tiêu chí về giá trị về tiền hay theo lĩnh vực yêu cầu THA..., có thể ủy thác và nhận ủy thác THA giữa TPL và cơ quan THA) nhằm đảm bảo chuyển giao một khối lượng công việc theo tỷ lệ nhất định cho TPL. Hay trong lĩnh vực tống đạt, có thể mở rộng thẩm quyền của TPL trong thỏa thuận tống đạt văn bản, giấy tờ hành chính, giấy tờ tư theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về chính sách phát triển nguồn nhân lực cho nghề TPL, cần quy định TPL phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức như chấp hành viên; TPL phải được đào tạo theo cùng chương trình, thời gian như chấp hành viên, kể cả tập sự tại cơ quan THA hoặc văn phòng TPL; phải được đào tạo các kỹ năng tống đạt, lập vi bằng. Trong quá trình hành nghề, TPL phải tham gia bắt buộc các khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, không thể thiếu chính sách thu hút, chuyển đổi công việc, nghề nghiệp với những người có đủ trình độ, kỹ năng THA và các chuyên môn, nghiệp vụ khác; chính sách và giải pháp hỗ trợ thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của TPL để tự quản, đại diện cho tiếng nói của TPL và ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp TPL nhằm đưa hoạt động của TPL ngày càng phát triển theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, uy tín đối với Nhà nước và xã hội.