Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

(PLVN) - Chính phủ chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng xanh, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức, có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để khắc phục khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới.
Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Theo PGS. TSKH Trần Nguyễn Tuyên - Hội đồng Lý luận Trung ương, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế trong thời gian qua như “quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ… Chất lượng môi trường một số nơi còn tiếp tục xuống cấp; thích ứng biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng”.

Văn kiện Đại hội XIII đưa ra dự báo trong thời gian tới, những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để khắc phục tình trạng này, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm đối với vấn đề môi trường trong bối cảnh mới như sau: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ mục tiêu thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng – an ninh – bảo vệ chủ quyền biển đảo, tài nguyên môi trường biển…; nâng cao năng lực giám sát môi trường biển. Xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc của kinh tế thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai…

Trong định hướng phát triển đất nước thời gian tới, ở định hướng thứ 12 “Tiếp tục nắm vững và xử lý các mối quan hệ lớn”, do ý nghĩa và tầm quan trọng ngày càng lớn của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển của đất nước, chất lượng cuộc sống của nhân dân, Đại hội XIII đã bổ sung thêm nội dung mới là “bảo vệ môi trường” để trở thành mối quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ trường”.

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả kinh tế

Theo PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên, thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ngoài các định hướng trên, cần tập trung vào một số giải pháp trọng yếu. Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức sinh tái, tức là làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

“Con người cần phải nhận thức lại vị trí, vai trò của mình và xã hội trong hệ thống tự nhiên. Thông qua quá trình phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, con người cần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào thực tiễn của xã hội để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho phát triển”, ông Tuyên cho hay.

Cùng với đó, cần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng. PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên cho rằng, đối với nước ta hiện nay, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đổi mới công nghệ bằng 2 con đường là chuyển giao công nghệ và tự tiếp thu công nghệ hiện đại có hàm lượng chất xám cao và công nghệ sạch, từ đó chúng ta mới có thể thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn, đồng thời đó cũng chính là phương thức hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Đảng ta khẳng định phát triển khoa học công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do đó, chúng ta kiên quyết không nhập công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Phát triển kinh tế trên sự hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với sự kết án tương lai của mình. Mục tiêu chuyển giao công nghệ phải vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề môi trường sinh thái”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Vẫn theo PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên, nền sản xuất xã hội cần phải thực hiện thêm chức năng tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để khắc phục tình trạng khai thác lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (các nguyên, nhiên liệu hóa thạch), cần tận dụng tối đa tính năng vốn có sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ bề rộng sang bề sâu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Vấn đề quan trọng khác là triển khai thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường. Cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.

Đọc thêm