Có biện pháp giải phóng nguồn lực trong dân
Ủng hộ việc Trung ương cho ý kiến về chủ trương phòng, chống dịch COVID-19, gắn với phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh cho rằng, đại dịch Covid vốn không được lường trước trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả giai đoạn, là thách thức hết sức bất ngờ và quy mô tàn phá lớn. Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã hành động quyết liệt phòng chống COVID-19, nhưng làm sao duy trì kinh tế, đảm bảo đời sống dân sinh xã hội, sự phát triển đất nước không bị ảnh hưởng trầm trọng cũng là thách thức vô cùng lớn.
Vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 lần này xác định nhiệm vụ phòng chống COVID-19 hiệu quả và bàn giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương với cách nhìn thẳng vào thực tế.
Ông Huỳnh cho rằng, cần phải đánh giá nghiêm túc, toàn diện sức phá hủy của đại dịch, những nguồn lực nào có thể huy động được trong điều kiện khách quan đã thay đổi cơ bản hiện nay. Các kế hoạch trước đây cần xem xét lại toàn diện triệt để, các nguồn lực cần được đánh giá lại một cách sâu sát, triệt để và cần phải huy động thêm những nguồn lực nào.
Ví dụ, trong tình hình như hiện nay thì cần khơi thông sức dân, bên cạnh tinh thần của dân, của doanh nghiệp đã có, nhưng nguồn lực của dân còn những vấn đề gì mà chúng ta cần giải quyết. Nguồn lực trong dân như ngoại tệ, vàng, liệu có chính sách gì thu hút để người dân yên tâm xắn tay cùng Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những khó khăn cơ bản hiện nay? Làm như vậy là chúng ta đã tính toán chủ động, tích cực, sẽ có được nhiều giải pháp toàn diện và quan trọng là cách làm không được như cũ. Bởi tình hình bây giờ đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ, tinh thần quyết liệt, cách tiếp cận giải phóng mọi sức cản đối với phát triển kinh tế; đối với đầu tư, tìm mọi biện pháp khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần dấn thân, sáng tạo, nguồn lực trong dân để hạn chế những khó khăn hiện nay.
Ông Nhữ Đình Bình, ở phường Hàng Gai, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, những đường hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài phát biểu dựa trên những nhận định đúng về những thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay. Trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã có những thành công nhất định thì cần tổng kết, đánh giá, tiến tới nâng cao trách nhiệm của mỗi cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo các công tác này và có biện pháp mới cho giai đoạn mới.
Quy định những điều đảng viên không được làm cần ngắn gọn, dễ nhớ
Nội dung quan trọng khác của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cụ thể là cho ý kiến, thông qua về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), việc thực hiện Quy định 47 trong thời gian qua mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thái độ, trách nhiệm, sự gương mẫu của mỗi người đảng viên. Tuy nhiên, còn một số yếu tố mà hiện nay chúng ta cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Thứ nhất, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Nghị quyết có nhiều nội dung giao thoa với những điều đảng viên không được làm theo Quy định 47 nên những nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 cũng cần được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn về những điều đảng viên không được làm.
Thứ hai, nhận thức về những điều đảng viên không được làm còn có sự khác nhau, dẫn đến sự tuân thủ của người đảng viên, sự đánh giá của các cấp ủy gặp khó khăn nên chúng ta xem lại để quy định vừa chặt chẽ, đầy đủ vừa dung dị, dễ hiểu, dễ làm, dễ đánh giá.
Đặc biệt, hiện nay đã mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, những điều đảng viên không được làm chắc chắn cũng sẽ có những điều liên quan đến tiêu cực. Vậy thì cụ thể hóa các hành vi thế nào là hành vi tiêu cực, đó là nội dung có thể gọi là mới để đưa vào quy định những điều đảng viên không được làm.
Đảng viên Nguyễn Liên Chi (trú phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao với điểm mới lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, cũng đã bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới.
Bà Liên Chi kỳ vọng, Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thêm sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thời gian qua, để mỗi đảng viên tự giác chấp hành quy định, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.