Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Kiều bào đề xuất giải pháp hỗ trợ chống dịch

(PLVN) -  Ngày 30/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai và Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kinh nghiệm thực tiễn chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại Hoa Kỳ - Thành lập nhóm bác sỹ tư vấn từ xa cho F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang”.
Các đại biểu tại Tọa đàm.

Chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán, cấp cứu, điều trị

Tại Tọa đàm, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi và ông Trần Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, COVID-19 là dịch bệnh chưa có tiền lệ, Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm phòng chống dịch từ quốc tế.

Hai tỉnh đánh giá cao sáng kiến và trân trọng cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao và Ủy ban về NVNONN TP Hồ Chí Minh đã kết nối, tổ chức buổi tọa đàm, ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các bác sỹ kiều bào để xem xét áp dụng tùy theo tình hình thực tiễn tại tỉnh.

Ông Nguyễn Trác Toàn - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco - nhận định, Tọa đàm có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được mong đợi của đông đảo bác sỹ người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn góp sức cùng nhân dân trong nước chống dịch.

Ông Toàn cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay, kiều bào ở bờ Tây, Mỹ đã quyên góp gửi về trong nước trên 300.000 USD, 255 máy thở, trợ thở cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế với giá trị lên tới gần 1 triệu USD. Ngoài ra, bà con cũng có nhiều hoạt động khác như viết thỉnh nguyện thư đề nghị Mỹ hỗ trợ vaccine cho Việt Nam. Bà con kiều bào cũng mong muốn thời gian tới, số tiền và vật tư y tế tiếp tục được gửi về sẽ được các cơ quan trong nước tiếp nhận và đưa vào sử dụng hiệu quả.

Bốn diễn giả kiều bào tham gia chương trình gồm Đại tá, BS Huỳnh Khải Tinh; PGS.BS Đoàn Đào Viên; PGS.BS Lê Trần Hoàng; PGS.BS Lý T.Lương - thành viên chủ chốt của Đoàn Y tế Samari Nhân Lành, một tổ chức phi chính phủ do các bác sỹ Việt Nam tại Mỹ thành lập, đã khám chữa bệnh miễn phí và hoạt động từ thiện tại Việt Nam hơn 20 năm qua. Hiện các thành viên của Đoàn đang hỗ trợ tư vấn cho các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện dã chiến TP Hồ Chí Minh trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tại Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về kinh nghiệm chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ và đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam nhằm điều trị an toàn, hiệu quả cho các bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà.

Theo PGS.BS. Đoàn Đào Viên, khi bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được xét nghiệm khẳng định COVID-19, nên phân loại thông qua thăm khám sức khỏe từ xa trước khi chuyển khám trực tiếp với các bệnh nhân khó thở, độ bão hòa oxy (SpO2) ≤94% thở khí phòng hoặc các triệu chứng cho thấy cần thăm khám sâu hơn. Vẫn theo BS Viên, bác sĩ điều trị nên xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh lý tiến triển và theo dõi y tế đầy đủ những bệnh nhân này. Bên cạnh đó, cần tư vấn cho tất cả bệnh nhân và thành viên gia đình hoặc người chăm sóc về các triệu chứng cảnh báo cần được đánh giá theo dõi nhanh thông qua thăm khám từ xa hoặc tại phòng cấp cứu.

Kết nối hỗ trợ bệnh nhân tại Việt Nam từ Mỹ

Trình bày về dự án thành lập “Nhóm Bác sỹ hỗ trợ tư vấn từ xa cho Đồng Nai và Tiền Giang”, các diễn giả cho hay, Nhóm Bác sỹ hỗ trợ tư vấn từ xa hiện nay gồm 40 thành viên là những y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có bằng đang hành nghề tại Mỹ và các tình nguyện viên giúp việc. Hiện nhóm đã sẵn sàng triển khai tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam và momg muốn dùng hệ thống TeleHealth của Mỹ để kết nối với bệnh nhân tại Việt Nam qua mạng internet, bảo đảm sự riêng tư của bệnh nhân.

Theo BS Viên, với hệ thống TeleHealth, các bệnh nhân chỉ cần dùng điện thoại thông minh ấn vào link sẽ kết nối được với bác sĩ. Khi được lập hồ sơ bệnh lý, bác sĩ sẽ kết nối ngay và tư vấn rõ ràng cho bệnh nhân. Khi tư vấn xong, bác sỹ sẽ cho bệnh nhân tái hẹn trong hai cho đến bốn ngày. Với hệ thống này, các bác sỹ có khả năng tư vấn từ 200-300 bệnh nhân trong mỗi 4 giờ một ngày. Vẫn theo BS Viên, để chương trình này được thành công, Nhóm cần sự hỗ trợ từ địa phương trong các việc giới thiệu bệnh nhân cho đoàn, chuyển thuốc và máy đo SpO2 miễn phí theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương tới người bệnh.

Tọa đàm cũng đề cập đến vấn đề điều trị F0 tại nhà là nội dung được các cơ quan chuyên môn và người dân cả nước quan tâm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh gia tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế địa phương và trung ương. Việc lựa chọn tập trung hỗ trợ cho Đồng Nai và Tiền Giang thời điểm này được đánh giá là thiết thực, kịp thời và rất có ý nghĩa khi hai tỉnh này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có số ca nhiễm mới trong ngày nhiều nhất cả nước và việc điều trị F0 tại nhà mới được áp dụng tại Tiền Giang, chưa được áp dụng tại Đồng Nai.

Tọa đàm trên và chuỗi hoạt động “Kiều bào chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch” thể hiện chủ trương coi trọng nguồn lực NVNONN của Đảng, Nhà nước và hưởng ứng tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, góp phần triển khai công tác ngoại giao Covid, ngoại giao vaccine.

Đọc thêm