Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Đổi mới quản trị quốc gia - “mệnh lệnh” từ cuộc sống

(PLVN) - Một điểm mới, một nội dung trong đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nhà nước chỉ giữ vai trò chèo lái

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 hồi tháng 3/2021, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó cần đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.

Đơn cử như tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc; thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. “Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại thế nào, nhưng vẫn hướng về người dân và DN, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”, ông lưu ý.

Quản trị quốc gia, mà Nghị quyết Đại hội XIII đã ghi nhận và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, là khái niệm thể hiện cách thức sử dụng sức mạnh của Nhà nước, của quốc gia để Nhà nước quản lý các nguồn tài nguyên kinh tế và xã hội phục vụ cho phát triển một quốc gia. Quản trị quốc gia thể hiện tầm nhìn mới trong thời đại ngày nay, khi công việc quản trị không chỉ còn là của Nhà nước, mà cần huy động nguồn lực từ khu vực tư, từ phía xã hội và cộng đồng để tạo nên sức mạnh chung, xây dựng quốc gia thịnh vượng.

Bàn về quản trị quốc gia, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trước kia mình coi trọng quản lý, chủ thể duy nhất là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, còn quản trị quốc gia thể hiện mục tiêu chuyển đổi từ quản lý nhà nước kiểu truyền thống sang nền quản trị nhà nước - mở rộng sự tham gia của các chủ thể. Ở đó, Nhà nước giữ vai trò chèo lái, huy động sức mạnh của các thành phần khác trong xã hội cùng tham gia vào công việc chung của quốc gia; Nhà nước huy động và tạo thành các dịch vụ công để nhiều chủ thể khác tham gia: có thể là tham gia ý kiến, có thể là trao quyền, ủy quyền.

Những vấn đề quản trị quốc gia cần quan tâm

Ông Minh dẫn chứng, trong cuộc chiến chống COVID-19, Nhà nước hiện “cầm chịch” tổ chức thực hiện, rất nhiều chủ thể khác tham gia. Cụ thể như mua vaccine, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, doanh nghiệp nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19. Hay câu chuyện từ thiện, Nghị định hiện hành quy định cá nhân không được làm từ thiện nhưng mùa COVID, biết bao phương án từ thiện xuất phát từ các cá nhân như ATM gạo, Đội xe 0 đồng… Thực tiễn cuộc sống đã ghi nhận thì với nền quản trị quốc gia, ông Minh đề xuất, chúng ta cần luật hóa thế nào nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia vào quản trị công, đồng thời hạn chế sự lạm dụng (chẳng hạn như không để xảy ra những lùm xùm vận động từ thiện trong thời gian vừa qua), thể hiện được vai trò hướng dẫn và kiểm soát của Nhà nước.

ThS Ngô Thị Nhung, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật (Trường Chính trị Lào Cai) trong một tham luận đã kiến nghị một số vấn đề quản trị quốc gia cần quan tâm. Cụ thể, quản trị quốc gia phải trên cơ sở đề cao trách nhiệm – đó là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm đạo đức của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; phải đặc biệt chú ý đến hiệu lực, hiệu quả trong quản trị nhà nước; thực hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và chính quyền địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, các hoạt động dịch vụ công.

Ngoài ra, nền quản trị quốc gia phải công khai, minh bạch, giải trình, tức là coi trọng sự giải trình trước công dân đối với những vấn đề trong quản lý nhà nước mà công dân quan tâm và sự giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách đối với cơ quan cấp trên, cơ quan dân cử, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, công dân và các bên liên quan về các quy định của chính sách, pháp luật. Không những thế, quản trị quốc gia phải có sự định hướng và đồng thuận, nghĩa là phải chỉ ra được cách thức để tìm được sự đồng thuận của xã hội đối với Chính phủ thông qua những hoạt động nhằm điều hòa lợi ích của công dân, của các tổ chức và của Nhà nước, để thiết lập một xã hội đồng thuận và bảo đảm lợi ích của cả cộng đồng.

Đặc biệt, theo bà Nhung, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị quốc gia không thể vận hành theo lối cũ. Trong bối cảnh này, Nhà nước (với tư cách là một tổ chức đặc biệt của xã hội mang quyền lực công, do xã hội thiết lập nên, đại diện cho xã hội và phục vụ xã hội) bên cạnh những nhiệm vụ truyền thống sẽ phải thay đổi quản trị của mình, nhất là sự thay đổi về nhiệm vụ và chức năng. Chẳng hạn, Nhà nước phải giải quyết xung đột giữa các cách thức sản xuất kinh doanh và các vấn đề xã hội kèm theo do tác động của cách mạng 4.0; Nhà nước phải thích ứng với sự xuất hiện hình thức giao tiếp điện tử; phải quản lý các quan hệ xã hội trong môi trường ảo…

Các chuyên gia tin tưởng, nếu Việt Nam “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả” thì mục tiêu “đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” của nước ta sẽ “về đích” nhanh hơn.

Đọc thêm