Niềm tin bứt phá vươn lên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua, 8/4, với việc kiện toàn 14 nhân sự mới, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính gồm 28 thành viên đã ra mắt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số thành viên Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số thành viên Chính phủ.

Nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2020 đã để lại dấu ấn về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo IMF, GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,5 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 37 thế giới. 5 năm qua, Việt Nam đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm… Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã để lại nhiều thành tựu kinh tế, trong đó nổi bật ở 3 lĩnh vực.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nợ công xuống mức thấp, tăng xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ, tạo dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thứ hai, cải cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chính phủ điện tử. Chính phủ đã xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, đơn giản hóa một nửa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thứ ba, hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, vừa mở ra thị trường mới, vừa tạo áp lực để tiếp tục cải cách trong nước.

Những nền tảng này đã tạo nên những năng lượng mới tích cực cho người dân, doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Vị thế của Việt Nam đã có bước tiến tích cực rất đáng kể trên trường quốc tế. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD đến năm 2025.

Mục tiêu như vậy không cao hơn giai đoạn trước, nhưng thách thức không nhỏ: dịch Covid còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đang đối diện với nhiều nút thắt. Giai đoạn tới đang đặt ra nhiều yêu cầu lớn. Đó là hiện đại hóa kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; tạo dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.

Kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ trước, trong bài phát biểu trước Quốc hội, nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện khát vọng cải cách thể chế, luôn mong muốn hành động, sáng tạo vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là niềm tin để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.