Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc

(PLVN) - Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã nhấn mạnh yêu cầu về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây chính là những yếu tố cốt yếu để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn tới. 
Ảnh minh họa.

Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới

Kế thừa vấn đề phát huy dân chủ, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung vấn đề bồi dưỡng sức dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nhân tố con người được gắn kết với nhân tố văn hóa, được bổ sung nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài…

Trong các văn kiện Đại hội XIII, vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người được nhấn mạnh, là một nội dung mới, thể hiện nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa.

Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam, Báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới, đó là “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. 

 Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam - vừa khẳng định giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người Việt Nam - vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc. Khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tốt đẹp trong truyền thống như hai mặt đồng thời, góp phần xây dựng và không ngừng hoàn thiện con người Việt Nam.

Thúc đẩy mối quan hệ giữa văn hóa và con người

Những nội dung mới, nổi bật trên chính là những yếu tố cốt yếu để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời đây cũng là những điều kiện không thể thiếu để thực hiện được một định hướng phát triển rất quan trọng, tạo thành một động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới, đó là “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Nếu Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện thì nội dung phương hướng phát triển đặt ra trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ở đây, Đảng ta đã nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa văn hóa và con người, đến vai trò con người với tính chất là chủ thể cũng là mục đích của việc phát triển nền văn hóa.

Với tinh thần trên, khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam... Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, sự tăng cường và gắn kết xây dựng con người và nền văn hóa trong một thể thống nhất sẽ là cơ sở vững chắc để “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển”, không chỉ làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần mà còn trở thành động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đọc thêm