Tại phiên họp, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, hoạt động người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do đó, cần tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm tương thích giữa pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với pháp luật có liên quan của các quốc gia tiếp nhận lao động, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư.
Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải kịp thời bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài trong xu thế dịch chuyển lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường (như chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh Covid-19...); tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ; minh bạch, loại bỏ và đơn giản thủ tục hành chính. Thẩm tra Dự án Luật, các ý kiến thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng Dự thảo Luật cần nhấn mạnh thêm rằng, trong thời đại hướng tới nền kinh tế trí thức, công nghiệp 4.0, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hiện nay phải trên cơ sở sự lựa chọn từng lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng lao động và nước tiếp nhận lao động.
Theo một số ý kiến, Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn “dân số vàng”, cần lao động phát triển kinh tế - xã hội nên phải ưu tiên bố trí lao động trong nước. Việc xuất khẩu lao động phải thuộc những ngành nghề, lĩnh vực nổi trội, thu nhập cao, đưa được khoa học kỹ thuật tiên tiến về nước. Các nước tiếp nhận lao động phải an toàn, có thu nhập cao, khoa học kỹ thuật phát triển.
Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng phải thể hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá mà cần tính toán rất kỹ. Vì vậy, các điều kiện, tiêu chuẩn phải rất chặt chẽ và thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng. “Chúng ta đưa lao động đi để lấy hình ảnh người lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn, sức khỏe, trí tuệ, hiểu biết văn hóa, thể hiện hình ảnh lao động Việt Nam trên thế giới”, ông Lợi nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ không chấp nhận cho người lao động đi bằng mọi giá mà chọn địa bàn, lĩnh vực. Theo ông Dung, xu hướng hiện nay là chuyển mạnh theo hướng đào tạo qua các trường nghề và kết nối trường nghề với doanh nghiệp. “Học viên có thể nhận việc ngay với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, sau đó ra nước ngoài tại các doanh nghiệp này và khi trở về có nơi nhận”, ông Dung nói.
Đối với nội dung tham gia thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra sơ bộ; đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá tác động để thấy rõ hơn một số yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng, cả thuận lợi, tiêu cực, thế mạnh của Việt Nam, nhất là trong những ngành lao động phổ thông, dệt may, da giày… Theo nhiều ý kiến, Chính phủ cần đánh giá thêm tác động về lao động việc làm, an sinh xã hội; tác động về mặt pháp luật, thể chế liên quan đến lao động, công đoàn...
Về đề nghị gia nhập Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, các đại biểu khẳng định, việc gia nhập Công ước này góp phần thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng, các công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.