Để rồi khi mới chập chững bước vào đời, Cháng đã bị vấp ngã, bỏ lại mẹ già, người vợ mới cưới và cả tuổi thanh xuân của chính mình dưới vòng xoáy của thứ ma mị cám dỗ đó…
Đứa bé không cha
A Cháng được sinh ra trên bản vùng cao Pà Cò (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), mẹ nó người dân tộc H’Mông. Ngày nó sinh ra cũng không biết mặt cha nó là ai. Từ hồi 4-5 tuổi nó đã phải phụ mẹ buôn bán mưu sinh ngoài khu chợ nhỏ vùng cao. Gọi là buôn bán nhưng hàng hóa chỉ vọn vẹn cái mẹt nhỏ bán những thứ hoa quả, đồ thổ cẩm do mẹ nó tự tay trồng trọt, đan lát.
Dựa vào cái mẹt nhỏ nơi cuối chợ ấy, mẹ con nó vẫn đủ kiếm tiền đổi gạo ăn qua ngày. Dù bữa đói bữa no nhưng nó vẫn lay lắt lớn lên như những cái cây, ngọn cỏ dại trên vùng núi cao Tây Bắc. Hai mẹ con nó nương tựa, bám víu lấy nhau tồn tại, nhưng là trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của người trong bản.
Cũng như bao người mẹ khác, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả đến mấy, mẹ nó vẫn vật lộn đủ cách để kiếm tiền cho đứa con đi “xóa mù chữ” cho bằng những đứa trẻ cùng trang lứa. Tuổi thơ nó quần mạng, áo vá, bụng đói, chân đất tới trường để biết “con chữ, cái học”. Nhưng bởi nó sinh ra không biết bố là ai nên nó luôn là tâm điểm chú ý, trêu trọc của bạn bè trong cái trường học nhỏ vùng cao.
Những điều tiếng, miệng đời độc ác ấy, những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của những con người trong cái bản làng ấy in hằn trên cuộc đời mẹ con nó. Nên với nó tuổi thơ chỉ vọn vẻn trong mấy từ: đói khổ, thù hận, khinh bỉ, sợ hãi, ám ảnh. Rồi cố gắng lắm nó cũng chỉ học đến lớp 4, sau đó bỏ dở “con chữ” để cùng mẹ lao vào con đường mưu sinh làm no cái bụng qua ngày.
Từ bản nó qua cửa khẩu, sang bên kia bên giới nước Lào chỉ hơn chục cây số đường rừng. Lên 10 tuổi, nó cũng bắt đầu cùng đám trai bản theo đường mòn sang biên làm đủ thứ việc vặt để kiếm chút tiền mua gạo.
Trong kí ức, bản nó xưa nghèo lắm, mọi thu nhập cũng chỉ dựa vào nương lúa thảo quả, vài con gia súc, gia cầm trao đổi để có cái ăn. Nhà nó nghèo, tuy hàng năm cũng được vài cân gạo cứu đói, cái áo, cái chăn cũ từ xuôi gửi lên trợ giúp lúc rét mướt mùa đông, những tựu trung cũng chả thấm vào đâu, bụng nó vẫn luôn trong tình trạng lép xẹp.
Rồi theo thời gian, xã hội phát triển, bản nó có điện về và dần dần cái bản hoang vắng đó chuyển mình thành điểm du lịch cho dân “phượt” thích chụp ảnh hoa mận, hoa đào. Người đến bản nó cả tây lẫn ta. Để chạy kịp theo xu hướng phát triển ấy, khu chợ nhỏ vỏn vẹn hơn 200m2 ngày trước chỉ vài mớ rau, con gà, con lợn giờ đổi sang buôn bán sầm uất, đông đúc hơn với đủ loại mặt hàng lấy từ bên kia biên giới.
Dân bản nó bắt đầu no cái bụng và có của để dành. Những ngôi nhà gỗ mà chỉ “gà lên chuồng” đã đóng cửa nay đã có tivi, có xe máy đi lại. Dòng phát triển mới của xã hội đã mang lại những cái mới tốt đẹp hơn nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những hệ lụy.
Và bản nó cũng chẳng phải ngoại lệ. Có tiền, những thói hư tật xấu bắt đầu len lỏi vào bản. Đàn ông biết ăn diện, biết chơi bi-a, biết đánh lô đề, cờ bạc, ma túy… Đàn bà biết phấn son, làm đẹp, tiêu tiền…
Nhà nó nằm ở ngã ba gần chợ, theo xu hướng phát triển du lịch, cái mẹt nhỏ bán hàng của mẹ nó giờ chuyển về nhà biến thành hàng tạp hóa nhỏ bán đủ thứ linh tinh như đồ thổ cẩm, băng đĩa, đồ lưu niệm. Những món đồ mẹ nó vượt rừng qua bên kia biên giới mua về.
Lời nguyền hoa anh túc
Ở bản nó ngoài hoa mận, hoa đào còn có một loài hoa đẹp lắm mang tên hoa anh túc. Người dân bản vào mùa trồng xen với những luống rau cải mèo. Cây hoa thấp hơn, lúc trổ bông ra hoa màu tím lẫn với ánh xanh mướt của rau cải tạo nên một màu tím ánh xanh nhìn đẹp ma mị. Khi hoa kết trái, dân bản lấy dao cứa những vết dọc quả thu nhựa chảy ra từ đó, còn quả già phơi khô treo gác bếp để vụ sau trồng tiếp.
Từ bé, nó cũng được nghe câu chuyện của người lớn kể cho về loài hoa này, những câu chuyện được lưu truyền từ đời này qua đời khác trên một bản vùng cao dân tộc H’Mông.
Truyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, trên một bản vùng cao có một gia đình giàu nhưng vất vả lắm mới sinh được một bé gái. Cô gái lớn lên ngày càng xấu xí, bị người trong bản xa lánh hắt hủi. Đến tuổi cập kê, đám thiếu nữ cùng tuổi đều có người bắt về làm vợ, còn cô vẫn thui thủi cô độc một mình. Nhưng nhờ gia cảnh giàu có nên rồi cũng có người đến bắt cô về làm vợ, nhưng sự thực thì chỉ vì người đó nhòm ngó gia tài của nhà cô.
Đến khi đạt được mục đích, chiếm được tất cả của cải của cô thì người đó cũng bỏ mặc cô mà ra đi. Uất hận trắng tay trong sự cô đơn, cô oán hận cuộc đời, rồi tự sát trong sự cô độc. Khi rời xa cuộc đời cô hóa thành một bông hoa đẹp mang sắc tím ma mị.
Và bông hoa đó mang lời nguyền, tất cả những ai chạm vào nó sẽ mãi mãi u mê không thể thoát khỏi sự ma mị của nó, dần dần héo mòn mà chết. Người bản địa gọi loài hoa đó là hoa Anh Túc - loài hoa mang lời nguyền chết chóc.
Được nghe câu chuyện về loài hoa này, biết loài hoa này mang một lời nguyền, nhưng ở bản nó người già, trai bản đâu sợ lời nguyền đó, họ vẫn lao đầu vào lời nguyền đó với sự thích thú ma mị. Và rồi đến nó cùng đám thanh niên trong bản cũng dính vào lời nguyền ấy.
Đó là dịp sinh nhật cậu trai bản nhà giàu có tiếng, sau khi uống rượu say, tất cả nhóm được cho dùng thử một thứ bột màu trắng trên tờ giấy bạc thuốc lá. Với lời giới thiệu về công dụng của thứ bột “giúp tỉnh rượu, vui vẻ, phấn khích và là tinh chất của loài hoa Anh Túc”.
Để chứng tỏ là một thanh niên chịu chơi, nó nhập cuộc. Lần đầu hút nó nôn ra mật xanh mật vàng, tiếp đó đầu óc nó đê mê, cảm giác bị quên hết mọi thứ rồi ngủ thiếp đi. Rồi trong vài buổi sau đó, cứ sau cuộc rượu, đám thanh niên lại dùng thử cái thứ bột màu trắng chết người và chẳng biết từ bao giờ, nó bắt đầu dính vào ma túy. Những ngày không dùng bột trắng kia, nó cảm thấy đau bụng âm ỉ, cứ hút vào là lại khỏi.
Và cũng bắt đầu từ đó những đồng tiền ít ỏi nó kiếm được từ việc làm vặt trong chợ, đi bê vác bên kia biên giới, nó dồn hết vào để mua ma túy, đắm vào những cơn mê. Chỉ với vài chục ngàn một mình nó đủ hút cả ngày. Nó thích thú với cảm giác khi phê ma túy, để rồi dần dần bị lệ thuộc vào lời nguyền ma mị.
Bản nó đầy người dính vào đâu có sao. Rồi khi vướng vào ma túy, nó bắt đầu tìm đủ mọi cách để xoay tiền, ban đầu lấy cắp tiền của mẹ, sau theo nhóm trai bản đi bắt gà trộm chó quanh bản.
Năm nó tròn 14 tuổi, nó cùng nhóm bạn theo tục lệ đi bắt vợ về nhà. Vợ nó người bản khác, cách nhà nó hơn 1 cánh rừng. Trong suy nghĩ của nó, vợ cũng như một lẽ tự nhiên, đến tuổi thì bắt về như tất cả mọi người trong bản. Tự nhiên như cuộc sống mà từ khi nó sinh ra như cái cây ngọn cỏ.
Mẹ nó ngoài 40 tuổi mà đã già nua bởi sương gió núi rừng. Người vợ mới bắt về ngơ ngác, lạ lẫm với cuộc sống mới, nơi ở mới. Là người đàn ông duy nhất trong gia đình, nó cũng hiểu giờ trách nhiệm đặt lên vai nó, nó phải kiếm tiền để nuôi ba cái bụng. Có đôi lúc trong cơn say ma túy, nó muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc của thứ bột trắng đó. Nhưng đầu óc non nớt nó chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Nhìn bản làng những ngôi nhà sàn gỗ sập sệ được thay mới bằng nhà xi măng mái bằng với mái tôn xanh đỏ, xe máy đủ loại, tiếng nhạc sập sình từ tivi, loa đài thay cho tiếng kèn lá. Nó chẳng muốn thua kém, nó muốn kiếm tiền, kiếm một cách nhanh nhất.
Với sự dẫn dắt của đám trai bản cùng dùng bột trắng như nó, bản tính hoang dã, sự liều lĩnh toát ra trên khuôn mặt, nó tham gia vận chuyển ma túy qua biên giới với ước mơ giàu có đổi đời. Nhớ lần đầu đi hàng, nó cùng một nhóm 5 người cùng bản, men theo lối mòn đường rừng mà chỉ chúng nó thông thuộc.
Tay cầm quắm, dao mèo phạt cây làm đường, vượt núi băng khe mất gần ngày đường vào một làng nhỏ phía bên kia biên giới mang một ba lô về bản nó. Lần đó nó được chia cả chục triệu đồng, số tiền đó đối với nó là một số tiền lớn nhất mà từ bé tới lúc đó nó nhìn thấy, nó kiếm được.
Lần đầu với công việc nhàn nhã mà đã kiếm được rất nhiều tiền làm nó cảm thấy hứng thú. Nó đâu biết rằng việc nó làm là phạm pháp mà cũng chả ai nói và bảo nó pháp luật là như thế nào.
Số tiền đó nó mua được tivi, đầu đĩa như hàng xóm, còn dư tiền mua gạo và cả ma túy để sử dụng. Rồi một bước nhúng chàm, nó cần tiền để sửa nhà cho mẹ, cần nuôi cái bụng vợ mới bắt về. Nhưng lần vượt rừng qua biên mang hàng về bắt đầu diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, nhiều hơn và chẳng thiếu sự liều lĩnh.
Cái giá của sự u mê
Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi như những mùa hoa anh túc trên bản nó, cái ánh tím tạo nên vẻ đẹp kiêu hãnh đầy sự ma mị, lệ thuộc. Dù nhỏ tuổi nhưng với sự liều lĩnh cộng với việc nhanh nhẹn, quen thuộc đường rừng, những đơn hàng đến với nó ngày càng nhiều. Trong nhóm trai bản, A Cháng dần có tiếng nói, có chỗ đứng. Giờ chẳng ai có thể bắt nạt hay coi thường được nó vì nó đã có tiền, chịu chơi, dám liều.
Trong một lần mang hàng qua biên, nó bị bộ đội biên phòng truy đuổi nhưng may mắn trốn thoát. Bằng sự khôn ngoan liều lĩnh nó đã trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy từ biên giới phía Tây Bắc.
Qua những lần xách hàng thuê cho khách, A Cháng nhận thấy mang một bánh nó chỉ kiếm được 5 triệu, nhưng bỏ ra khoảng 120 triệu mua 1 bánh mang về dưới xuôi bán lãi được khoảng 70 triệu. Lợi nhuận cao hơn mà công việc vẫn chỉ như thế, nó bắt đầu gom tiền qua những lần xách thuê, cùng nhóm đi hàng chung tiền mua cả bánh bán cho khách dưới xuôi với phương thức buôn tận gốc, bán tận ngọn. Kiếm tiền nhanh khiến nó mờ mắt, trong một lần mua một bánh ma túy về Xuân Hòa (Hà Nội) giao cho khách quen, nó cùng nhóm bạn 5 người đã sa lưới pháp luật.
Gần 80 năm tù cho hành vi phạm tội của nhóm 5 người này. Ngày bị bắt nó mới 16 tuổi, nhờ sự khoan hồng của pháp luật đối với trẻ vị thành niên phạm tội, nó lĩnh án 12 năm tù. Ngày tòa xử, người thân duy nhất ngồi dưới hàng ghế lạnh lẽo trong phòng xử là mẹ nó.
Vợ nó đã bỏ đi khi nghe tin nó bị bắt. Trong những tháng ngày bị tạm giam, nó mới thấm, mới hiểu hành vi sai trái của mình, cảm nhận được sự tù túng, lao ngục. Giờ đây, trước mắt nó là những tháng ngày dài đằng đẵng sau song sắt trại giam nó mới hiểu được giá trị của sự tự do.
Cuộc sống hoang dại từ ngày nó sinh ra, thiếu bàn tay chăm sóc của bố, thiếu sự giáo dục của cộng đồng xã hội. Bản thân nó đâu khác gì cỏ dại mọc quanh bản làng. Ở cái tuổi chưa đủ chín chắn để biết yêu thương đã được làm chồng.
Ở cái tuổi mà những đứa trẻ như nó còn đang ăn no, ngủ say, miệt mài trên ghế nhà trường thì nó đã phải lăn lộn với đời, kiếm miếng cơm manh áo bỏ bụng. Những cái nó học được nhận thức được do cuộc đời mưu sinh dạy nó, đôi khi phải trả giá bằng mồ hôi và máu.
Pháp luật nghiêm minh, hành vi của nó sai trái, nó phải trả giá. Với nó, phía trước là một cuộc sống mới, môt trường mới. Bước chân vào trường đời, sống giữa những con người cùng chung số phận như nó. Liệu cái đầu óc non nớt chưa đủ trưởng thành về mặt sinh học như nó có học được điều hay lẽ phải hay lại du nhập thói hư tật xấu?.
Nó nói: “Cuộc sống hiện tại với em chỉ đơn thuần là cứ sống, ăn để tồn tại cho qua ngày. Còn ngày mai thế nào chẳng dám nghĩ tới.” Liệu nó có thể tồn tại như nó nói để vượt qua quãng thời gian dài đằng đẵng 12 năm?. Với nó tương lai phía trước còn mờ mịt, vẫn chưa thấy lối thoát.
(còn nữa)