Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trương Linh Phượng, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau hiện có trên 100.000 người có công với cách mạng. Đơn vị cũng đã và đang thực hiện tốt việc chi trả các chế độ, chính sách, chăm lo về sức khỏe, nhà ở người có công theo quy định.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm tệ tạn xã hội, theo báo cáo, tính riêng trong năm 2018, tội phạm về ma túy và vi phạm về ma túy trên địa bàn Cà Mau tăng mạnh. Toàn tỉnh Cà Mau hiện quản lý hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, tăng 35% so với năm 2017. Về tội phạm ma túy, khởi tố 90 vụ với 111 bị can, so với năm 2017 tăng 36%.
Trong quý I năm 2019, Công an tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện, thành phố tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phát hiện 151 vụ, 470 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; triệt phá nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, bắt, khởi tố 23 vụ, 29 bị can, thu giữ nhiều heroin, ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 150 vụ với hơn 470 đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý.
Đại tá Đỗ Chí Công, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau đánh giá, hiện tội phạm và vi phạm về ma tuý diễn biến phức tạp, hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý tổng hợp gia tăng và có chiều hướng lây lan về vùng nông thôn. Trong đó, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma tuý tổng hợp tại các nhà nghỉ, quán bar, karaoke gia tăng, khó kiểm soát.
Năm 2018, tội phạm và vi phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng mạnh, hiện toàn tỉnh quản lý hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát |
Một vấn đề khác là hiện nay, toàn tỉnh phát hiện trên 3.500 trường hợp nhiễm HIV, số chuyển sang AIDS gần 1.300 trường hợp (trong đó có gần 460 trường hợp đã tử vong). Số người nhiễm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 20 – 29 tuổi (chiếm 48%) và trong nhóm tuổi từ 30 – 39 tuổi (chiếm 33%).
Tại buổi làm việc, riêng đối với công tác quản lý, phòng, chống, cai nghiện ma túy, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo: Địa phương cần có giải pháp căn cơ từ đầu tư cơ sở vật chất, phân loại đối tượng đến tuyên truyền, giáo dục, xử lý mang mang tính răn đe với những đối tượng đang cai nghiện ma túy. Đặc biệt, chú trọng công tác hỗ trợ, thu hút cán bộ, nhân viên phục vụ lâu dài cho lĩnh vực này.
“Cơ sở cai nghiện cần phân loại quản lý người nghiện ngay từ khâu tiếp nhận; đối tượng cai nghiện tự nguyện và đối tượng cai nghiện bắt buộc phải được tách riêng nhằm tránh tình trạng kích động trốn trại. Ngoài ra, cần xử nghiêm những đối tượng cầm đầu trong các vụ học viên trốn trại cũng như tăng cường công tác tuyên truyền tạo tính răn đe đối với các đối tượng này”, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung nêu giải pháp.