Dựa vào dân để trọng dụng nhân tài

(PLVN) - Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nói với PLVN rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một nhà lãnh đạo, một nhà tổ chức thiên tài mà tư tưởng của Người về công tác cán bộ, dùng người luôn là tư tưởng chiến lược, trọng yếu và nổi bật.

Người tài không từ trên trời rơi xuống 

Trong câu chuyện về dụng người hiền tài, Bác luôn nhấn mạnh phải thực đức, thực tài; Bác không câu nệ, máy móc hay phân biệt giữa đảng viên và người ngoài đảng. “Đó là cả một bản lĩnh. Điều mà Người quan tâm lớn nhất là ai xứng đáng nhất với dân, ai mới là người có khả năng tốt nhất trong việc phục vụ Nhân dân. Người luôn lấy mục đích phục vụ Nhân dân làm thước đo căn bản nhất”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nói.

“Việc dùng người của Bác đạt đến trình độ uyển chuyển, mẫu mực; là sự thống nhất giữa chính trị với đạo đức và văn hóa”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Bác lại là người có tư tưởng đại đoàn kết và tư tưởng này thấm nhuần ngay cả trong những nội dung, phương pháp khi chọn nhân tài. Bác không phân biệt già trẻ, trai gái; giữa dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số, người giàu hay nghèo, người trong nước hay người Việt ở nước ngoài, miễn ai có lòng yêu nước, có khả năng ra giúp nước, Bác đều tập hợp để giúp dân, giúp nước.

Một điều đặc biệt - có lẽ trong lịch sử nước nhà và so sánh với lịch sử các nước trong thế kỷ 20 - hiếm có Chính phủ nào như Chính phủ Hồ Chí Minh, vừa mới ra mắt đã có thư gửi cho toàn thể quốc dân đồng bào để nhờ tìm kiếm người tài đức. Bác nói, kháng chiến kiến quốc cần rất nhiều nhân tài. Nhân tài chỉ có thiếu chứ không bao giờ thừa, nhưng khéo dùng thì nhân tài sẽ phát triển. Vì nhân tài không từ trên trời rơi xuống mà ở ngay trong lòng Nhân dân, nên Bác nhờ Nhân dân tìm người tài cho Chính phủ. Cách giải thích của Bác cũng rất giản dị mà xúc động, đó là: “Chính phủ bận nhiều việc, nhìn không thấu, thấy không hết, đồng bào thấy ở đâu có người tài giỏi thì xin mách bảo với Chính phủ để Chính phủ trọng dụng”. 

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Hồ Chí Minh - với tư cách một Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ - quý trọng, tôn trọng nhân tài và lại tin cậy Nhân dân, biết dựa vào dân để tìm nhân tài cho Chính phủ. Đó là bài học thấm thía cho Đảng ta hiện nay. Tức là dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đủ mà còn dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, dựa vào dân để trọng dụng nhân tài. 

 

Đã dùng thì phải tin

Vào năm 1946, trước tình hình nền độc lập nước nhà đang bị đe dọa, Bác phải đi Pháp để đàm phán. Do chuyến đi kéo dài 5 tháng liền, Bác cân nhắc đủ mọi nhẽ, cuối cùng Bác chọn cụ Huỳnh Thúc Khánh để thay Bác làm Chủ tịch Chính phủ. Cụ Huỳnh khi tiễn Bác đi có hỏi: “Bây giờ việc nước việc nhà như vậy, cụ đi vắng lâu ngày, ở nhà tôi biết tính sao? Xin cụ cho tôi một lời khuyên?”. Bác nói: “Xin cụ và anh em ở nhà nhớ cho một câu: Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. 

Trong lời căn dặn và cả quyết định chọn cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch Chính phủ đã thể hiện Bác hoàn toàn tôn trọng và tin cậy vào nhân tài, trí thức. Đã tin cậy thì giao việc, đã giao việc thì phải tin dùng. Bác cũng tạo một không gian rộng rãi để họ phát huy tối đa tài năng và sở trường sáng tạo.

 “Ở Pháp bận rộn và căng thẳng như vậy, Bác cũng không quên gửi thư về động viên cụ Huỳnh, điều này rất cảm động, càng cho thấy Bác luôn tôn trọng người tài giỏi. Việc dùng người của Bác đạt đến trình độ uyển chuyển, mẫu mực; là sự thống nhất giữa chính trị với đạo đức và văn hóa”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhận xét.

Không chỉ vậy, trong việc chọn lựa và sử dụng hiền tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn yêu cầu cán bộ phải “thiết diện vô tư”. Câu chuyện về ông Lê Giản là một ví dụ. Ông là một cán bộ có đủ tài đức; khi được giới thiệu lên làm cán bộ ngành Tòa án, Bác nghiên cứu rất kỹ. Sau khi ưng ý mọi nhẽ, Bác mời ông Lê Giản đến ăn cơm, trong bữa ăn thân mật Bác nói vui: “Chú làm nghề này nhớ phải thiết diện vô tư. Nếu chú không thiết diện vô tư được thì Bác sẽ thiết diện vô tư với chú”. 

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chức vụ càng cao thì nghĩa vụ càng lớn. Có công thì khen, có tội phải bị trừng phạt, không có sự tùy tiện. Phải xử lý sai phạm một cách khách quan, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với bất cứ ai. “Câu chuyện này gợi cho ta thấy, Bác không chỉ có quan niệm đúng, có phương pháp thấu đáo, mà còn rất chú trọng biện pháp chế tài. Câu nói của Bác với ông Lê Giản bao hàm một thông điệp: Phải có chế tài trong vấn đề xử lý cán bộ. Giáo dục, kiểm soát thường xuyên chưa đủ, mà cần phải xử lý bằng chế tài trên tinh thần khách quan, nghiêm túc, không vị nể, cảm tình…”, Giáo sư Bảo kể lại.

Sau này, Bác còn căn dặn, thương yêu cán bộ thì phải biết bảo vệ cán bộ; cách bảo vệ tốt nhất là phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm nhằm ngăn ngừa cái xấu, cái hư hỏng; nếu nể nang cho qua thì không phải thương yêu mà là hại nhau. Trong chọn lựa người tài thì phải có lòng vị tha, rộng lượng, tin cậy. Ông cha ta thường nói, “có tài thường có tật”, do vậy phải biết tôn trọng cá tính của người khác. Cá tính này nếu không hại cho dân, cho nước thì không phải là xấu. Chỉ chống chủ nghĩa cá nhân chứ không được coi thường và vùi dập cá nhân. Bác nói: có những người mà mình không ưa nhưng họ thực là người tốt, người giỏi vẫn phải dùng mà đã dùng thì phải tin. Cái vĩ đại là ở chỗ người mình không ưa nhưng vẫn dùng. Càng tài giỏi càng phải quý trọng. 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, hiện nay Đảng đang vận dụng, thực hành rất tốt những tư tưởng và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trọng dụng nhân tài, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ…, nhưng ông cũng nhấn mạnh, bên cạnh những chuyển biến tốt về nhận thức và hành động, công tác cán bộ vẫn còn không ít hạn chế. Đó là thực tế chưa hết nhiệm kỳ khóa XII đã có nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Hậu quả của nạn chạy danh, chạy chức, chạy quyền và không thực chất… là một thực tế cần phải nhìn nhận.

 “Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới, phải làm thế nào để kiểm soát được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, trong Đảng phải có một hệ thống cơ chế, chế tài thật hoàn hảo để kịp phát hiện, xử lý. Nhưng cái gốc thì vẫn phải dựa vào dân, chỉ có dân mới cho chúng ta một tiếng nói trung thực, khách quan rằng ai xứng đáng, ai không xứng đáng”, lời Giáo sư Hoàng Chí Bảo. 

Đọc thêm