Nhiều hộ dân tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị giải tỏa để lấy đất xây dựng Trung tâm thương mại Tân Hội, đã được chính quyền địa phương đền bù, và tái định cư dâu vào đó, nhưng cuối cùng lại…trắng tay
Nhiều hộ dân tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị giải tỏa để lấy đất xây dựng Trung tâm thương mại Tân Hội, đã được chính quyền địa phương đền bù, và tái định cư dâu vào đó, nhưng cuối cùng lại…trắng tay.
|
Các hộ dân xã Tân Hội đi kêu cứu. |
Mừng.. hụt
Ngày 9/1/2006, UBND huyện Đức Trọng có Quyết định số 37 thu hồi đất thuộc tờ bản đồ số 11 xã Tân Hội để xây dựng trung tâm thương mại. Ngày 20/4/2006 UBND huyện ra tiếp QĐ số 514 thu hồi, điều chỉnh diện tích đất của 29 hộ gia đình, cá nhân với diện tích hơn 53 nghìn mét vuông và giao cho Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện lập phương án đền bù đất đai, hoa màu theo quy định của pháp luật.
Trong số những hộ dân bị thu hồi đất có 8 hộ dân là hộ gia đình ông Lê Vang, Trần Đạo Huân, Bùi Xuân Hòa, Phạm Thọ, Lê Thị Hoa, Phạm Du, Đỗ Quy, Nguyễn Cây sử dụng đất từ năm 1977. Năm 1979 các hộ dân này vào HTX. Ngày 1/7/1996, UBND xã Tân Hội mời 8 hộ dân lên lập biên bản giải quyết đất đai cho họ được nhận tiền đền bù và nhận mỗi hộ 1 lô đất để làm quầy kinh doanh tại chợ Tân Hội để lấy đất làm chợ, nhưng thời gian này xã chưa xây chợ nên chưa triển khai. Vì thế, năm 2000 UBND xã Tân Hội lại lập biên bản xác minh nguồn gốc đất và năm 2001 mời 8 hộ lên để thông qua việc đền bù, giải tỏa.
Ngày 6/8/2007, UBND huyện Đức Trọng ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện: “Đối với trường hợp UBND xã Tân Hội đã lập hồ sơ và chi tiền đền bù hỗ trợ giải tỏa trước đây, nay cần kiểm tra lại và xác lập đền bù và tái định cư như các hộ khác”. Trên cơ sở đó, Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện lập hồ sơ và đền bù và tái định cư cho các hộ dân nói trên.
Thế nhưng, sau khi bà con nhận đền bù, đất định cư, nộp tiền sử dụng đất cho huyện xong, một số hộ vừa cầm trên tay nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các cán bộ huyện Đức Trọng lại bàn nhau thu hồi lại tiền bồi thường và đất tái định cư đã cấp cho bà con, khiến người dân “dỡ khóc dỡ mếu”
Theo phản ánh của ông Đỗ Quy kể, ngày 29/3/2010 bà con chúng tôi được Trung tâm phát triển quỹ đất mời họp và thông báo văn bản số 210 của UBND huyện về việc thu hồi đất bồi thường hỗ trợ tái định cư, yêu cầu chúng tôi phải trả lại tiền và thu hồi đất tái định cư, trong khi gia đình tôi và bà con đã được cấp GCN và đã đóng tiền đất. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đến UBND huyện Đức Trọng nhưng họ vẫn bảo đợi kết quả của cơ quan CSĐT công an huyện.
Anh Lê Văn Hùng đại diện cho ông Lê Vang bức xúc nói: Gia đình tôi bị UBND huyện thu hồi 740 m2 đất để xây dựng KTM Tân Hội, chúng tôi chỉ mới được bồi thường 233.840.000đ, chưa được giao đất tái định cư. Nay cán bộ UBND huyện lại trở mặt thu hồi lại số tiền trên, thử hỏi gia đình tôi sẽ sống ra sao?
Đi tìm câu trả lời
Trước bức xúc chính đáng của người dân, sáng 29/3/2012 PLVN đã gọi điện cho ông Phạm Thanh Quan, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng đăng ký làm việc để lắng nghe ý kiến của chính quyền địa phương nhưng ông Quan từ chối với lý do “bận họp”.
Qua các tài liệu thu thập được thì thấy, khi còn là Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, chính ông Phạm Thanh Quan là người đã ký các quyết định phê duyệt chi phí bồi thường hỗ trợ, thưởng và tái định cư; phê duyệt kết quả bốc thăm giao đất tái định cư; phê duyệt danh sách tái định cư; ký các quyết định giao đất tái định cư và cấp “sổ đỏ” cho các hộ dân nói trên. Thế nhưng, sau khi lên chức Chủ tịch huyện thì cũng chính ông Quan đã chỉ đạo cho cán bộ dưới quyền thu hồi lại tiền bồi thường và đất tái định cư đã giao cho người dân.
Ngày 17/11/2011 Chánh thanh tra huyện Lê Tự Hùng ký các quyết định thu hồi số tiền bồi thường, hỗ trợ mà Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã chi trả cho 8 hộ dân nói trên. Trước đó, Công an huyện Đức Trọng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Minh Cúc – cán bộ địa chính xã Tân Hội vì cho rằng “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Cúc đã bị quy kết là đã không xác nhận nguồn gốc đất là do HTX nông lâm nghiệp Tân Hội I quản lý từ năm 1979 đến năm 2000. Khi HTX giải thể thì diện tích đất này là đất công do UBND xã Tân Hội quản lý ” (PLVN ngày 31/10/2011 đã có bài phản ánh).
Vì lý do cho rằng, sai phạm của cán bộ địa chính dẫn đến UBND huyện ban hành các quyết định về bồi thường không đúng pháp luật cho những người dân có đất bị thu hồi nên ngày 25/5/2011 Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Phương ký các quyết định thu hồi hủy bỏ “sổ đỏ” đã cấp cho các hộ dân. Trong quyết định thu hồi sổ đỏ cũng nêu lý do “giao đất tái định cư không đúng đối tượng” mà không hề đề cập gì đến tiền sử dụng đất hàng trăm triệu đồng mà người dân đã nộp cho huyện khi nhận đất tái định cư.
Đặc biệt, khi các hộ dân có đơn khiếu nại thì ngày 6/7/2011 Phó Chủ tịch huyện Võ Văn Phương lại ra công văn trả lời rằng, Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo Công an huyện tiếp tục điều tra làm rõ đối với việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư tại dự án KTM Tân Hội. Vì vậy đề nghị ông Phạm Thọ chờ kết quả điều tra chính thức của CA huyện” và không trả lời khiếu nại cũng không trả lại tiền cho dân.
Dư luận quần chúng địa phương hiện nay hết sức bất bình, cho rằng một số cán bộ có chức, có quyền huyện Đức Trọng. Thiết nghĩ, đã đến lúc lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức trách Trung uơng cần vào cuộc làm sáng tỏ, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến dự án này.
Luật sư Lê Văn Kiên:
UBND huyện Đức Trọng mắc hai lỗi với người dân
Từ việc xác định đối tượng được đền bù cho đến việc hủy bỏ quyết định bồi thường thiệt hại, UBND huyện đều có lỗi khiến quyền lợi của người dân đã không được đảm bảo, trong vụ việc này, người dân không có lỗi. Đối với việc xử lý số tiền mà người dân đã nộp để được sử dụng đất theo chế độ tái định cư, khi hủy bỏ quyết định phê duyệt phương án bồi thường quyền sử dụng đất, UBDN huyện Đức Trong cũng phải ban hành quyết định trả lại khoản tiền đã nhận của người dân, không thể xử lý nửa vời là chỉ hủy bỏ việc bồi thường quyền sử dụng đất còn tiền sử dụng đất đã nhận của người dân thì không xem xét giải quyết mà lại chuyển cho cơ quan điều tra xem xét giải quyết. Đây là vụ việc xem xét lại quyết định hành chính, thuộc thẩm thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND huyện, không phải vụ việc phạm tội thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Do đó, UBND huyện để cơ quan khác giải quyết việc thuộc thẩm quyền của mình là trái pháp luật. |
Phúc Ân