Dùng AI kích cầu ngành “công nghiệp không khói”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc chuyển đổi số trong ngành Du lịch đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới hiện nay. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này để phát triển ngành “công nghiệp không khói” vượt qua đại dịch và phát triển bền vững thời 4.0.
Đưa công nghệ số để phát triển du lịch. (Ảnh minh họa)
Đưa công nghệ số để phát triển du lịch. (Ảnh minh họa)

Du khách đặt tour công nghệ

Tọa đàm “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” do Traveloka tổ chức vào ngày 16/11/2022 tại Hà Nội nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách.

Chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế số và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới. Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trên hết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Mối quan hệ hợp tác với các nền tảng công nghệ và doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ là bàn đạp đẩy nhanh tiến trình thích nghi và ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số. Tọa đàm sẽ là tiền đề cho các bên liên quan tiếp tục nỗ lực đóng góp giải pháp phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam".

Bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam - nền tảng hỗ trợ người dùng khám phá và đặt mua đa dạng các sản phẩm và dịch vụ về du lịch, bày tỏ mong muốn cống hiến những nỗ lực và công nghệ của Traveloka nhằm hỗ trợ Chính phủ và các bên liên quan trong sứ mệnh này. "Với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt trong những tháng gần đây, chuyển đổi số là bước tiến tất yếu của du lịch Việt Nam, cụ thể là thông qua hình thức du lịch không chạm và du lịch thông minh".

Nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi du lịch tại Việt Nam, Traveloka đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các trọng điểm du lịch cả nước, bao gồm Sở Du lịch TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Thương mại và Đầu tư Kiên Giang và Sở Du lịch Hải Phòng, để quảng bá các điểm đến của địa phương và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Các đại biểu đưa ra các sáng kiến trong quá trình quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với thực hiện chuyển đổi số để Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới. Các đại biểu cho rằng, định hướng vô cùng quan trọng với quá trình chuyển đổi số là quá trình chủ động tham gia của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, trước hết phải chuyển đổi số tất cả các sản phẩm giới thiệu điểm đến thành cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời triển khai những ứng dụng số để truyền tải những thông tin, số liệu đó đến với thị trường. Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ để tạo ra nhiều kênh, phương án, tiện ích, ứng dụng để tung ra thị trường những phương án kinh doanh mới.

Việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch có thể đề cập tới: Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), AI - Trí tuệ nhân tạo, Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử. Nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…

Chính nhờ công nghệ số, du khách trở thành khách hàng thông minh; thói quen du lịch cũng có sự thay đổi, du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh.

Có thể tiếp cận hàng triệu du khách thời 4.0

Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025".

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch lớn, các khách sạn và resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu. "Bức tranh" chuyển đổi số trong ngành Du lịch hiện vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Hiểu được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Chuyển đổi số gắn kết với Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN; đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến. Đây là một trong những bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch số. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đưa nhiều ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách”.

Những người làm du lịch buộc phải tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số. Bởi chỉ có "đi trước thời đại" mới chiều lòng được những tín đồ thích xê dịch, ưa trải nghiệm lại đang đòi hỏi ngày càng cao.

Tại các điểm đến, việc chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ nét. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị đang xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, địa phương đang xây dựng bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng chia sẻ, Sở Du lịch Hải Phòng phối hợp với Traveloka ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến Hải Phòng, tạo thêm một kênh quảng bá hữu hiệu, đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch của doanh nghiệp đến với du khách nhanh chóng, tạo ra những giao dịch thuận lợi, uy tín, minh bạch nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, nhằm mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho du khách khi tới Hải Phòng, Sở Du lịch đã xây dựng Bản đồ số “Hải Phòng City Tour” với địa chỉ www.haiphongcitytour.vn theo xu hướng trẻ trung, hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dùng, thu hút hàng vạn lượt truy cập, tìm kiếm thông tin và nhận được những phản hồi tích cực từ doanh nghiệp và khách du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hải Phòng còn phát động Chiến dịch “HelloHaiPhong” trên nền tảng TikTok nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực,... của thành phố Hải Phòng.

Hiện chiến dịch “HelloHaiPhong” đã thu hút được 2.500 video quảng bá và hàng trăm triệu lượt xem. Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi số, một số sản phẩm du lịch đã tạo hiệu ứng tích cực, có sức hút cao như du lịch thể thao golf, du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Foodtour Hải Phòng đã tạo được thành công bước đầu về thu hút khách du lịch nhất là đối với giới trẻ học sinh, sinh viên. Điều đó cho thấy việc đổi mới, chuyển đổi số trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch Hải Phòng đã có những kết quả đáng khích lệ.

Cùng sự đồng thuận và quyết tâm lớn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tin tưởng rằng trong thời gian tới các chủ thể du lịch sẽ hợp tác mạnh mẽ trên môi trường số, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch ngang tầm quốc tế.