Những tác phẩm nghệ thuật biến dạng
12 năm qua, Thủ đô Hà Nội xuất hiện một số tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng mà còn góp phần mang lại sức sống mới, được thành phố và người dân ghi nhận.
Có thể nói, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, “Bích họa phố Phùng Hưng” hay “Con đường bích họa phố Trịnh Công Sơn” đã góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ, Kinh kỳ xưa, đồng thời tạo không gian công cộng mới cho nhân dân, khách du lịch Hà Nội.
Sau gần 12 năm, công trình con đường gốm sứ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang bị xuống cấp và hư hại nặng nề. Công trình nổi tiếng này cũng đã trải qua 2 lần đại tu vào năm 2015 và 2017, song đến nay vẫn đang bong tróc. Những bức tranh gốm sứ vốn đẹp đẽ giờ trông rất “nham nhở”.
“Con đường gốm sứ” xuất hiện nhiều mảng gốm bị nứt nẻ, đen xì là do việc đốt rác thải sát đoạn đường gốm vào ban đêm. Nhiệt độ từ những chiếc lốp cao su và rác bị đốt tạo khói đen, lớp gốm bị bong tróc, nứt toác, lộ rõ những mảng tường xám xịt bên trong. Các tác phẩm mỹ thuật trên “Con đường gốm sứ” bị biến dạng thê thảm. Chưa kể, nhiều đoạn trên con đường này không biết từ bao giờ còn là nơi người dân tập kết hàng hóa, vứt rác gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân thậm chí đã bật khóc khi nhắc tới “số phận” của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của chị mang tên Tháp, mô phỏng một tòa tháp nhiều màu, được lựa chọn trưng bày ở khu vực hồ Gươm. Chỉ sau khi được giới thiệu đến công chúng ít ngày, tác phẩm tâm huyết của chị đã bị một số người vô ý thức biến thành... nhà vệ sinh. Hành động này không chỉ làm tổn thương người nghệ sĩ mà còn khiến cộng đồng phẫn nộ. Sự việc đặt ra câu hỏi: Cần có quy chế như thế nào để bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng?
Ý thức, trách nhiệm của cộng đồng
Các chuyên gia văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật cho rằng, các dự án nghệ thuật công cộng là tài sản văn hóa của Thủ đô nên Hà Nội phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản. Chính quyền địa phương cần phải quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời phải có ngay giải pháp để ngăn chặn tình trạng công trình tiếp tục bị xuống cấp.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Hội Mỹ thuật Việt Nam) từng đề xuất: “Hà Nội cần sớm có quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng để kiểm soát công trình ngay từ đầu; trong đó quy định rõ về kích thước, màu sắc công trình, không gian, phương hướng gắn, đặt cho phù hợp, bảo đảm yếu tố thẩm mỹ cũng như không ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế quản lý, bảo vệ đi kèm để tránh tình trạng công trình bị xuống cấp, bị xâm hại, biến dạng…”.
Còn họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Nghệ thuật công cộng phản ánh mức độ văn minh của một thành phố, thậm chí có thể trở thành biểu tượng, nơi cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa và thẩm mỹ cho cộng đồng xã hội. Để đạt được điều này, cần phải có sự vào cuộc sát sao hơn của các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng trong thẩm định nội dung, cách thức thực hiện.
Thành phố có thể thành lập một hội đồng nghệ thuật độc lập, gồm nhiều loại hình: Hội họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn… Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm đánh giá toàn bộ công trình, dự án từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn tất, nhằm bảo đảm các yêu cầu về thẩm mỹ, hài hòa với không gian, kiến trúc xung quanh cũng như có độ bền thiết yếu với thời gian. Ngoài ra, cũng cần tham khảo ý kiến từ phía cộng đồng nêu quan điểm”.
Để phát huy hiệu quả các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng, bên cạnh trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng rất cần ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Hà Nội cần phát huy hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, quy định cụ thể về việc tôn trọng không gian chung của cộng đồng; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường...