Sau thử nghiệm thành công tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang muốn mở rộng việc dùng chung trạm thu phát sóng di động (BTS) trên toàn thành phố. Thế nhưng, thực tế cho thấy, liên quan đến dùng chung hạ tầng, không phải lúc nào doanh nghiệp muốn cũng có thể thực hiện được…
Dùng chung BTS: vừa ổn định, vừa mỹ quan
Trong dự án thí điểm dùng chung trạm BTS của các mạng di động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (được thực hiện năm 2010), Hà Nội đã đưa vào sử dụng 10 trạm BTS dùng chung giữa 05 mạng di động, gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, EVN và Vietnamobile, trong đó có 7 trạm được sắp xếp lại để dùng chung và 3 trạm xây mới. Cùng với việc chủ động “góp gạo thổi cơm chung” của các nhà mạng, đến nay, Hà Nội đã có gần 100 trạm BTS dùng chung.
|
Tiếp tục kết quả đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã đề nghị UBND TP.Hà Nội cho phép mở rộng dùng chung hạ tầng trạm BTS trên toàn thành phố. “Nếu không đẩy mạnh dùng chung hạ tầng trạm BTS sẽ phát triển hỗn loạn bởi các mạng vẫn có nhu cầu mở thêm nhiều trạm mới" – ông Phạm Quốc Bản – Giám đốc Sở TT&TT nhận định. Thống kê sơ bộ của Sở TT&TT Hà Nội cho thấy, các mạng còn có nhu cầu phát triển mới khoảng 3.500 trạm BTS.
Dự kiến, trong năm nay, Hà Nội sẽ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về cột BTS ở nội và ngoại thành, trong đó quy định bắt buộc sử dụng chung trạm và một số quy định về đảm bảo mỹ quan khác. Hiện, Sở đang phối hợp cùng các DN viễn thông trên địa bàn xây dựng quy hoạch về dùng chung hạ tầng BTS trên địa bàn một cách hợp lý nhất.
Muốn dùng chung – không phải lúc nào cũng được
Trên thực tế, các DN viễn thông cũng xác định rõ việc dùng chung hạ tầng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư nên cũng chủ động tìm cách hợp tác với nhau. Tuy nhiên, khảo sát thực tế, các DN cũng thấy, trạm BTS ở Hà Nội sẽ rất khó dùng chung cho một lúc cả 7 nhà mạng bởi diện tích đặt thiết bị của hầu hết các trạm BTS hiện tại quá nhỏ không đủ chỗ trống để mở rộng khi các nhà mạng có nhu cầu tăng dung lượng mạng lưới. Nhiều trạm BTS hiện được đặt trên nhà dân phần lớn chỉ khoảng 40-60 mét vuông, không đủ diện tích để dựng cột BTS đáp ứng cho cả 7 nhà mạng treo ăng ten (trung bình cột BTS của mỗi mạng có 3 ăng ten). Đó là chưa kể, để treo được khoảng 21 ăng ten của cả 7 nhà mạng thì cột BTS cũng phải rất cao. Chính vì vậy, các DN viễn thông cho rằng, trong điều kiện này, mỗi vị trí BTS chỉ nên dùng chung giữa vài ba nhà mạng.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Sĩ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) cho rằng, trên thực tế sẽ rất ít vị trí trạm BTS cần dùng chung của cả 7 nhà mạng. Ví dụ, trong số 10 trạm BTS được thí điểm dùng chung ở quận Hoàn Kiếm, trung bình mỗi trạm chỉ "tải" 2 – 3 nhà mạng, chỉ duy nhất 1 trạm ở phố Quán Sứ dùng chung giữa 5 nhà mạng.
Thủy – Nguyên – Minh