Văn hóa & Pháp luật

Đừng để đến ngày gia đình mới nghĩ về gia đình!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hôm nay là Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/0222. Kể từ ngày 4/5/2001, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam, thì ngày lễ tôn vinh giá trị gia đình đã có hành trình 21 năm đi vào cuộc sống. Trong 21 năm đó có rất nhiều điều vui buồn để nói, để kể với nhau mỗi khi ngồi lại…
Cứ một ngày hãy dành thêm một chút nghĩ về gia đình, về bố mẹ, anh chị em và những người thân, như vậy chắc chắn xã hội sẽ tốt hơn (ảnh minh họa)
Cứ một ngày hãy dành thêm một chút nghĩ về gia đình, về bố mẹ, anh chị em và những người thân, như vậy chắc chắn xã hội sẽ tốt hơn (ảnh minh họa)

Với người Việt Nam, từ truyền thống ngàn đời, gia đình, dòng tộc, quê hương luôn là những khái niệm thiêng liêng trong tâm khảm. Dù có đi bốn phương trời, quên sao được những nếp xưa, nhà cũ, những bữa cơm nghèo dưới ánh đèn dầu khi mờ, khi tỏ, nhưng luôn ăm ắp tiếng cười, yêu thương. Nơi có lời ông bà, mẹ cha yêu thương, dạy bảo con cháu, nơi có tiếng trẻ xôn xao chuyện lớp, chuyện trường, chuyện ăn, chuyện chơi…

Những ký ức dịu êm ấy mãi vấn vương như những sợi tơ tuy mỏng manh mà bền chắc, lưu giữ những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của gia đình. Thế nên, dù có đi đến phương trời nào xa lắc, trong mỗi người con dân nước Việt, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.

Với người Việt Nam, từ truyền thống ngàn đời, gia đình, dòng tộc, quê hương luôn là những khái niệm thiêng liêng trong tâm khảm (ảnh minh họa)

Với người Việt Nam, từ truyền thống ngàn đời, gia đình, dòng tộc, quê hương luôn là những khái niệm thiêng liêng trong tâm khảm

(ảnh minh họa)

Người đời có câu “có đi qua những ngày mưa mới biết yêu những ngày nắng đẹp”. Hơn lúc nào hết, hai năm đại dịch vừa qua đã khiến cho rất nhiều người thấm thía cái điều tưởng như hết sức giản đơn ấy. Đã có những gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh ly tán, mãi mãi không thể gặp lại người thân, đã có những bữa cơm không ai ngờ lại trở thành bữa ăn cuối cùng với nhau đầy bất ngờ và đau xót, đã có những đứa trẻ, những người chồng, người vợ một ngày kia thức dậy thấy mình chỉ còn côi cút ở trên đời…

“Mẹ con đi xuất khẩu lao động ở Dubai nên con chủ yếu gặp mẹ qua màn hình điện thoại. Mỗi lần gọi điện về, mẹ đều hỏi thăm con thích gì để mẹ mua cho. Hai chú gấu bông này là món quà mẹ tặng con hai năm trước khi mẹ về chơi nhà. Con không ngờ đó cũng là lần cuối con được ôm mẹ, vì năm ngoái mẹ con mất ở nước ngoài do mắc COVID-19. Mỗi lần nhìn thấy món quà này con lại bật khóc và nhớ mẹ vô cùng”.

“Vợ mất vì Covid-19, các bác sĩ buộc phải mổ bắt con khi thai ở tháng thứ 7, tôi bất đắc dĩ vừa làm cha vừa làm mẹ một mình. Không chỉ chăm con sơ sinh thiếu tháng mà còn chăm cô con gái lớn bị bệnh down. Nhiều người nói với tôi khó khăn quá thì bán đứa con sinh sau đi để lo cho chị nó. Nhưng làm cha, tôi sẽ bảo vệ con mình đến cùng cho dù cuộc sống quá áp lực, quá khó khăn”.

“Ngày 7/8/2021, ba ra đi bất ngờ khiến cả nhà chết điếng. Hơn chục ngày sau, cuộc gọi lúc 5h sáng ngày 22/8, họ báo mẹ em ra đi. Trước toàn là ba mẹ lo cho anh hai, nhưng giờ con phải học mọi thứ để chăm anh. Nhớ lời mẹ dặn, con thân thiết, trò chuyện với anh hai nhiều hơn”…

Rất, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trước những sẻ chia như thế của tại triển lãm “Bình an sau bão giông” do Hội LHPN Việt Nam thực hiện nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Triển lãm “Bình an sau bão giông” do Hội LHPN Việt Nam thực hiện nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022

Triển lãm “Bình an sau bão giông” do Hội LHPN Việt Nam thực hiện nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022

Đại dịch kinh hoàng đi qua và để lại phía sau nó những điều được và mất. Và có lẽ, hơn ai hết những người đã từng ở giữa “tâm bão” mới cảm nhận được trọn vẹn cái khoảng trống mất mát còn lớn hơn cả nỗi đau kia. Đâu rồi những ngôi nhà đủ mặt các thành viên gia đình, đâu rồi những bữa cơm gia đình có tiếng cha, tiếng mẹ, có tiếng cười vô tư lự của con trẻ… Điều tưởng như rất đỗi bình thường mỗi ngày bỗng một ngày trở nên xa lắc và ta bỗng hiểu rằng, có những giá trị xưa nay ta chẳng hề quan tâm vì vẫn coi là sự đương nhiên, để bỏ đó đuổi theo những điều khác biệt. Thì nay chính lại là mất to lớn nhất, vĩnh viễn không bao giờ có thể tìm thấy hay làm lại được.

Giá trị của gia đình là thế đó, giản dị thôi nhưng quan trọng vô cùng. Điều quý giá nhất ở trên đời này với mỗi cá nhân không phải tiền tài vật chất, không phải công danh sự nghiệp… mà chính là mái ấm thân yêu, nơi có những bữa cơm gia đình đầm ấm với xiết bao giá trị tinh thần, nơi có những bình an, những sẻ chia để mỗi sáng mai thức dậy ta biết rằng, ta đang sống vì điều gì và tìm về đâu mỗi khi bước chân trên đường đời mỏi mệt…

Chẳng thế mà trong hành trình 21 năm của Ngày Gia đình Việt Nam, đã có một thời gian dài “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề chính cho mỗi ngày 28/6 hàng năm. Và năm nay, năm 2022, sau cơn can qua của đại dịch thì sự bình an của mỗi gia đình lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022, để thấy rằng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, các giá trị đạo đức, nhân văn tỏa sáng đều bắt đầu được hun đúc từ hai tiếng: Gia đình!

Các giá trị đạo đức, nhân văn tỏa sáng đều bắt đầu được hun đúc từ hai tiếng: Gia đình! (ảnh minh họa)

Các giá trị đạo đức, nhân văn tỏa sáng đều bắt đầu được hun đúc từ hai tiếng: Gia đình!

(ảnh minh họa)

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10 tháng 10 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”. Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Bác căn dặn: “Con trẻ là cái mầm, cái bóng của dân tộc, con trẻ được gia đình nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường, tự lập”…

Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và truyền giao những giá trị văn hóa; là cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt khiến cho nhiều gia đình Việt có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc.

Thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, cũng là thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc (ảnh minh họa)

Thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, cũng là thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc

(ảnh minh họa)

Còn nhớ, trong một lễ khai mạc Ngày Gia đình Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xúc động nói, như một thông điệp, dù ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa: “Mỗi năm có một Ngày Gia đình, nhưng xin đừng để đến ngày gia đình mới nghĩ đến gia đình. Cứ một ngày hãy dành thêm một chút nghĩ về gia đình, về bố mẹ, anh chị em và những người thân, như vậy chắc chắn xã hội sẽ tốt hơn…”.

Thế nên, mong sao Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là một ngày hôm nay 28/6 mà sẽ là mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta. Để từ đó mỗi người có thể thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc. Bởi, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Đọc thêm