Đừng để Hiệp Hội truyền hình trả tiền "chết yểu" do “đẻ non”

Những ngày gần đây, giới mộ điệu túc cầu đang nín thở theo dõi diễn biến về việc mua bán bản quyền vòng chung kết Euro 2012, thì các nhà đài, nhà sản xuất chương trình truyền hình trong nước cũng đang sôi sục về chuyện thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Không ít ý kiến lo lắng Hiệp hội này sẽ khó “thọ” nếu bị “đẻ non”.

Những ngày gần đây, giới mộ điệu túc cầu đang nín thở theo dõi diễn biến về việc mua bán bản quyền vòng chung kết Euro 2012, thì các nhà đài, nhà sản xuất chương trình truyền hình trong nước cũng đang sôi sục về chuyện thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Không ít ý kiến lo lắng Hiệp hội này sẽ khó “thọ” nếu bị “đẻ non”.

Hiệp hội… “kín”

Nhằm tiến tới một sân chơi bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, một Ban vận động thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (Hiệp hội) đã được thành lập với 13 thành viên do Tổng Giám đốc công ty TNHH truyền hình cáp Saigontuorist (SCTV) - Trần Văn Úy làm Trưởng Ban.

Ảnh minh họa

12 thành viên còn lại gồm Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương, Long An, Bình Phước, Cà Mau, Tây Ninh, Bến Tre, Quảng Ngãi, Hà Nam; Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp TP HCM; Giám đốc Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ; Giám đốc Công ty truyền hình cáp Hà Nội và Trưởng Ban Biên tập truyền hình cáp Việt Nam.

Công tác chuẩn bị thành lập Hiệp hội đã được chuẩn bị khá chu đáo với Quyết định công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội được Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) phê chuẩn; Bộ Nội vụ có quyết định cho phép thành lập Hiệp hội.

Mặc dù vậy, việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội đã làm xuất hiện không ít câu hỏi của các nhà đài và các doanh nghiệp tổ chức, sản xuất và cung cấp các sản phẩm truyền hình. Đại diện một nhà đài cho biết: Thật khó hiểu khi việc thành lập Hiệp hội lại bí mật đến mức nhiều nhà sản xuất chương trình cũng như nhà đài không được biết; nhiều “ông lớn” về lĩnh vực này như Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty cổ phần truyền thông FPT, Trung tâm truyền hình cáp Đài Truyền hình TP HCM cũng không có mặt, hay như một đơn vị mới tham gia trong việc truyền dẫn là Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG cũng bị "chầu rìa". Không hiểu họ không hứng thú tham gia hay không được mời?.

Qua tìm hiểu, chúng tôi đã có câu trả lời rằng: Ngay sau khi nhận được thông tin Ban vận động Hiệp hội tổ chức họp để chuẩn bị ra mắt thì ngoài VTC, AVG, FPT Truyền hình cáp TP HCM… còn hàng chục đơn vị là các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm truyền hình đều cuống cuồng gửi đơn tới Bộ TTTT kêu việc bị bỏ rơi.

Trước vấn đề này, Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã có công văn gủi Ban vận động thành lập Hiệp hội đề nghị hướng dẫn điều kiện, thủ tục cho các đơn vị có nhu cầu tham gia Hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật.

Nói về vấn đề này, một lãnh đạo Đài truyền hình phía Bắc nghi ngờ: “Dự thảo Điều lệ Hiệp hội nhấn mạnh đây là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhưng nhìn vào danh sách Ban vận động thành lập lại chủ yếu là đại diện của VTV”

Cần chuẩn bị kỹ để tránh “đẻ non”

Liên quan đến việc thành lập Hiệp hội này, ngay thành viên trong Ban vận động cũng chưa nhất trí với các công tác chuẩn bị. Cụ thể, ngày 22/3/2011, đại diện Công ty truyền hình cáp Hà Nội – một thành viên Ban vận động sáng lập Hiệp hội đã có văn bản gửi Trưởng Ban vận động với nội dung: Theo tinh thần Quyết định số 1417 ngày 15/12/2010, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập thì Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam là “tổ chức xã hội nghề nghiệp”.

Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động quản lý hội thì các Hội, Hiệp hội mang tính chất “xã hội nghề nghiệp” hoạt động trên địa bàn vùng miền cả nước phải có đủ 100 tổ chức, cá nhân tham gia làm hội viên mới đủ điều kiện lập; do vậy Ban vận động cần phải hoàn tất trước khi tiến hành Đại hội.

Cũng theo tinh thần phản ứng với Ban vận động, đại diện của HTVC cũng đã có những ý kiến mạnh mẽ về việc thành lập Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 24/3/2011 thể hiện ý kiến gửi Hội nghị của Ban Vận động, văn bản của Công ty dịch vụ TT-TH Hà Nội nhấn mạnh: Việc tổ chức Đại hội Hiệp hội lần thứ nhất chúng ta chuẩn bị kỹ và báo cáo với Bộ Nội vụ và Bộ TTTT (không nhất thiết phải trước ngày 15/4/2011 nếu công việc chuẩn bị chưa chu đáo).

Sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ TTTT) về nội dung trên, Ban vận động tiến hành họp trù bị với đầy đủ các thành phần dự đại hội (toàn bộ Hội viên có mặt đến thời điểm triệu tập đại hội).

Có thể thấy, việc nóng vội tiến hành Đại hội với sự chẩn bị chưa kỹ lưỡng và “kín đáo” là vì điều gì? Vì động cơ nào?, là điều mà dư luận quan tâm, thắc mắc…

Có thể thấy, việc thành lập Hiệp hội truyền hình trả tiền là cần thiết khi lĩnh vực này ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội khai sinh Hiệp hội này cần được thực hiện cẩn trọng, rộng rãi công khai minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Có như vậy mới tránh được tình trạng “chết yểu” vì “đẻ non” và có thể làm cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Bảo Linh

Đọc thêm