Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT với Đoàn công tác của Chính phủ, thì Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” với 28 quốc gia, trong đó 14 quốc gia đã gỡ được “thẻ vàng”. 14 quốc gia còn lại có 5 quốc gia bị “thẻ đỏ”; 9 quốc gia bị “thẻ vàng”, trong đó có Việt Nam.
Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU, trong khi đó nếu bị “thẻ đỏ”, EU sẽ cấm toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Với Việt Nam, chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ đón đoàn của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4 đến thanh, kiểm tra công tác chống khai thác IUU.
Để sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Quốc gia về IUU đã có những bước đi quyết liệt, mạnh mẽ nhằm hoàn thiện khung pháp lý phục vụ việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chống IUU. Các địa phương thành lập BCĐ chống IUU cấp tỉnh nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, công tác chống IUU vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của EU như: Chưa quản lý được hết các đội tàu; công tác truy xuất nguồn gốc có tiến bộ trong thời gian gần đây, lượng hàng EU trả lại thấp, nhưng còn tình trạng một số DN hợp thức hóa hồ sơ. Các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính nhưng tỉ lệ còn thấp, còn diễn ra tình trạng tàu cá tắt thiết bị hành trình quá 10 ngày. Đặc biệt, phía EU cảnh báo nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì khó gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam.
Quan trọng hơn nữa, toàn ngành thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ là thị trường xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp nếu thời hạn áp dụng “thẻ vàng” kéo dài, thậm chí là “thẻ đỏ” nếu vẫn tiếp tục có vi phạm và nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp tương tự như của EC.
Việc đánh bắt cá ở vùng biển nước khác dẫn đến thực tế còn những ngư dân đang bị nước ngoài giữ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình ngư dân mà còn làm suy giảm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Vì thế, tại một hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất từ nay đến khi Đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Nếu không làm được thì phải chờ ít nhất 2 năm nữa chúng ta mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng”.
Không phải là lo ngại trong tương lai, mà tình thế đã cấp thiết như “nước đến chân”. Việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và mỗi ngư dân tham gia khai thác hải sản.
Như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo: “Địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của địa phương mình; phối hợp cơ quan chức năng đưa ra khởi tố một số vụ việc để nâng cao tính răn đe; mạnh tay trong xử lý hành chính; dù việc này rất đau xót; nhưng nếu càng nương nhẹ thì càng khó gỡ được “thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản bị tắc nghẽn, cuộc sống của ngư dân vì thế còn gian nan hơn nữa”.