Trong khi đó, một số luật sư thì cho rằng, phải coi số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án này là hơn 379 tỷ đồng vì các bị can đã dùng thủ đoạn gian dối để vay được toàn bộ số tiền này.
Vay hơn 379 tỷ đồng bằng hồ sơ gian dối
Theo Cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2010 đến hết năm 2013, các bị can Bùi Kiên Dũng (SN 1979, trú tại Hà Nội), An Thị Hương Giang (SN 1973, trú tại Hà Nội), Vũ Văn Diện (SN 1979, trú tại Hòa Bình), Lê Quốc Huy (SN 1974, trú tại Hà Nội), Trần Nam Phương (SN 1971, trú tại Nam Định), Vũ Quang (trú tại Đồng Nai) đã sử dụng pháp nhân của 6 công ty làm giả hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền vay tại Ngân hàng HSBC và Ngân hàng ANZ để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Cụ thể, các bị can sử dụng pháp nhân các công ty do bản thân đứng tên, thuê hoặc nhờ người khác đứng tên; sử dụng thủ đoạn cắt, dán chữ ký, con dấu để làm giả bản sao y Báo cáo tài chính, Báo cáo kiểm toán, trong đó ghi khống số liệu thể hiện công ty đang kinh doanh có lãi, ghi khống giá trị hàng tồn kho, khoản phải thu, máy móc, thiết bị của công ty và xuất trình cho ngân hàng để xin vay vốn.
Khi cán bộ ngân hàng đến thẩm định, các bị can thuê người đóng giả nhân viên đang làm việc, chất hàng đầy cửa kho để ngụy trang là trong kho chứa đầy hàng, đồng thời thuyết trình với cán bộ ngân hàng về việc công ty có đủ năng lực, có nhu cầu vay vốn phục vụ phương án kinh doanh; có tài sản là hàng tồn kho, khoản phải thu, máy móc, thiết bị có giá trị lớn sẽ thế chấp cho ngân hàng; trong khi thực tế công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh, không có hàng tồn kho, khoản phải thu, không có máy móc, thiết bị như đã kê khai và thuyết trình.
Sau khi ký hợp đồng tín dụng, các bị can đã làm giả hợp đồng kinh tế, bản sao các hợp đồng kinh tế, bản sao hóa đơn GTGT, bảng kê giao nhận hàng thể hiện nội dung công ty mua, bán hàng với các doanh nghiệp khác để làm thủ tục giải ngân, rút tiền sử dụng trái quy định của hợp đồng tín dụng.
Đến ngày khởi tố vụ án, 6 công ty trên còn nợ 2 ngân hàng tổng số hơn 379 tỷ đồng, trong đó có hơn 300 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo, không có khả năng thanh toán.
Tuy xác định các bị can đã gian dối để vay được hơn 379 tỷ đồng nhưng VKSND Tối cao lại chỉ quy kết các bị can phải chịu trách nhiệm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt” đối với số tiền không có tài sản bảo đảm là hơn 300 tỷ đồng (tức là các bị can được loại trừ mục đích “chiếm đoạt” đối với gần 79 tỷ đồng do coi là “có tài sản bảo đảm”).
Đơn cử, cáo trạng nêu, Bùi Kiên Dũng có hành vi tổ chức, chỉ đạo và cùng các bị can khác sử dụng pháp nhân Cty Medi - Sansfrontier, Cty Toàn Diện, Cty Quyết Chiến, Cty Minh Phương, Cty Nhật Phương làm giả hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân tại hai ngân hàng HSBC và ANZ, rút tổng số hơn 317 tỷ đồng, trong đó có hơn 238 tỷ đồng là tiền vay không có tài sản đảm bảo đảm. Tổng số tiền Dũng chiếm đoạt là hơn 238 tỷ đồng.
Bị can An Thị Hương Giang đồng phạm với bị can khác sử dụng các pháp nhân của các Cty làm giả hồ sơ vay vốn và giải ngân, rút tổng số hơn 349 tỷ, trong đó có gần 273 tỷ đồng là tiền vay không có tài sản đảm bảo. Tổng số tiền Giang chiếm đoạt là gần 273 tỷ đồng.
Tài sản trong hồ sơ vay vốn là “công cụ, phương tiện” phạm tội?
Luật sư Mai Hồng Quang (Giám đốc Cty Luật TNHH Văn Khuê) cho rằng, việc CQĐT và cơ quan công tố bỏ ngoài những khoản tiền vay có tài sản bảo đảm để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị can là không đúng quy định.
Trong vụ án này, cần phải hiểu rằng, việc các bị can đưa các tài sản vào hồ sơ để làm tài sản bảo đảm chỉ là một thủ đoạn, phương cách để “làm đẹp” hồ sơ vay vốn chứ không phải xuất phát từ ý thức hoặc mong muốn rằng “không muốn chiếm đoạt”. Nếu không có tài sản đưa vào hồ sơ làm “mồi câu” thì các bị can sẽ không đạt được mục đích chiếm đoạt hàng trăm tỷ của mình.
Trong khi đó, các chủ tài sản cho bị cáo Dũng mượn tài sản chỉ là để ngân hàng xác định hạn mức cho các Cty vay tiền (không trực tiếp bảo lãnh cho hợp đồng vay tiền nào, với số tiền vay là bao nhiêu?). Việc các Cty có được hạn mức tín dụng này không phải là điều kiện trực tiếp để Dũng và đồng phạm rút tiền rồi chiếm đoạt (vì việc giải ngân phải thông qua các hợp đồng mua bán và hóa đơn…). Hơn nữa, tài sản trên cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố để ngân hàng xác định hạn mức cho các Cty của Dũng vay tiền. Thậm chí, có khoản tiền vay mà các bị can không cần có tài sản bảo đảm.
Như vậy, những người cho Cty mượn tài sản cũng có thể coi là đã bị Dũng lợi dụng và chỉ là nạn nhân trong vụ án này.
Từ quan điểm trên, luật sư Quang cho rằng, những tài sản được đưa ra làm “đẹp” hồ sơ phải được coi là công cụ, phương tiện để các bị can thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chúng phải được giải quyết theo quy định về xử lý tang vật, công cụ phương tiện phạm tội theo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS).
Dù các tài sản trên có liên quan mật thiết trong việc xác định mức độ, hành vi phạm tội của các bị can nhưng không hiểu sao, cả CQĐT lẫn VKSND Tối cao đều đang “bỏ ngỏ” quan điểm xử lý đối với tài sản này (chủ tài sản cũng không được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Như vậy cũng có nghĩa vụ án đã không được giải quyết một cách toàn diện, triệt để đúng như yêu cầu được quy định rõ trong BLTTHS.
Đáng nói, từ việc xử lý thiếu triệt để như trên mà các chủ tài sản lại đang phải đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản dù họ không hề biết gì về ý định lừa đảo của các bị can (chỉ cho mượn tài sản để thực hiện vay tài sản một cách đúng quy định).
Được biết, sau khi đưa ra xét xử sơ thẩm thì TAND TP.Hà Nội đã từng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ một số vấn đề, trong đó có trách nhiệm hình sự đối với khoản tiền các bị cáo chiếm đoạt mà không bị truy tố.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ án này.