Dũng khí của cán bộ “6 dám”

(PLVN) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS Lê Văn Cường trò chuyện với tác giả.
PGS.TS Lê Văn Cường trò chuyện với tác giả.

Chính sách khuyến khích và cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) sẽ tạo nên những phong trào đột phá, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước phát triển đột phá

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Cán bộ là then chốt của then chốt, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, đủ đức để lãnh đạo, đưa công cuộc đổi mới ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Thứ hai, phải có cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người đủ tài - đức, quyết liệt hành động vì lợi ích chung; đủ dũng khí để đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, lạc hậu, khơi dậy khát vọng cống hiến tới muôn người.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mặc dù có cơ chế khuyến khích như vậy, nhưng thực tế vừa qua cho thấy, chưa có nhiều cán bộ dám chịu trách nhiệm, “đây là điều chúng ta rất băn khoăn và lo lắng”. Vì vậy, vấn đề chúng ta cần bàn là cơ chế, chính sách… để bảo đảm cho chủ trương này đi vào thực tế. Tiêu chí của mỗi thời kỳ thường có thay đổi, khi thay đổi thì cái mới thường đi với cái lạ, mà cái lạ chưa chắc được chấp nhận ngay, trong khi nguyên tắc là tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Do vậy, đánh giá cán bộ dám đổi mới sáng tạo, thậm chí là “xé rào” rất cần sự công tâm và khách quan.

Lấy ví dụ thực tế, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng dẫn chứng: Gần đây, Sơn La đã thành công khi mạnh dạn đưa cây có múi vào sản xuất thâm canh, nhờ thế địa phương này đã dần “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, trước đó, nhiều người không khỏi băn khoăn: đưa các loại cây ăn quả lâu nay chỉ trồng tại các tỉnh miền Nam vào đất Bắc liệu có hợp thổ nhưỡng? Nông dân có hợp tác trong việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao? Rồi chế biến sâu như thế nào, đặt nhà máy ở đâu? Hay lại giống như thời chúng ta trồng cây cao su và mận tam hoa, đồng bào chưa thể xóa đói, giảm nghèo được… Nhưng bây giờ phải khác, là phải thành chuỗi, thành vùng, thành mối liên kết liên thông với nhau... Rõ ràng, nếu cán bộ không có tư duy đổi mới, sáng tạo, không nắm bắt thời cơ thì khó tạo nên những bước phát triển đột phá để gây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân.

PGS.TS Lê Văn Cường

PGS.TS Lê Văn Cường

Tiên phong về lý luận và hành động thực tiễn

Như ông vừa nói, vấn đề cần bàn là cơ chế, chính sách để bảo đảm cho quy định đi vào thực tế. Vậy theo ông, chúng ta bảo vệ cán bộ “6 dám” bằng những gì?

- Đầu tiên là bằng đường lối, chủ trương của Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra rồi, đó là khuyến khích cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách… Thứ hai, là bằng các quy định, quy chế, quy trình trong từng khâu, từng việc. Chúng ta đã có Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó nêu rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung…”. Đặc biệt, gần đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…

Thứ ba là phải thể chế hóa chủ trương và các Quy định, Kết luận của Đảng thành pháp luật. Cùng với đó, các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể…tiếp tục cụ thể hóa thành điều lệ của tổ chức mình. Tiếp theo là tăng cường phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho mọi người được tranh luận, được đề xuất ý kiến, ý tưởng mới; phải công khai, minh bạch để mọi người dân được biết, bàn, giám sát, đồng thời phải có tiếng nói của công luận.

Cuối cùng là phải tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội. Ngay như cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, bây giờ đã trở thành cuộc chiến không ngừng, không nghỉ, đã trở thành xu thế tất yếu và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thưa ông, để cán bộ, đảng viên hội đủ tinh thần “6 dám”, họ cần phải có những phẩm chất như thế nào?

- Theo tôi, người cán bộ đó phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Như Bác Hồ từng dạy, đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất chui lên, nó do rèn luyện hàng ngày mà có… Đặc biệt, họ phải là người có dũng khí. Vì khi dám làm, dám chịu trách nhiệm…, họ cũng sẽ có dũng khí đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, lạc hậu, khơi dậy khát vọng cống hiến tới muôn người. Những cán bộ, đảng viên ấy không chỉ tiên phong về lý luận mà còn tiên phong về hành động thực tiễn; phải làm gương trong chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Họ phải thật sự có tinh thần cầu thị, cầu tiến bộ. Bởi vì có không ít người dám nghĩ, dám nói, dám làm nhưng lại làm sai, mà nguyên nhân là do nhận thức, hiểu biết về vấn đề còn hạn chế. Khi đương đầu với khó khăn, thử thách mà hiểu sai vấn đề thì nguy hiểm khôn lường.

Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, hơn lúc nào hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tài năng, trí tuệ trong mọi công việc; đồng thời, cũng đòi hỏi Đảng, Nhà nước kịp thời có cơ chế để bảo vệ và tạo điều kiện cho phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên được phát huy trong thực tế…/.

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm