Đừng làm chai sạn lòng tốt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một nữ sinh 19 tuổi ở bang Iowa (Hoa Kỳ) nói dối là mình bị mắc bệnh ung thư tuyến tụy và có khối u to như quả bóng đá. Cô đã mở một chiến dịch chống ung thư và kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, thu được hơn 37.000 USD (gần 1 tỷ đồng Việt Nam).
Đừng làm chai sạn lòng tốt

Cô gái này từng được truyền thông coi là “tấm gương nghị lực vượt khó”, là “nhân vật truyền cảm hứng” trong cuộc chiến chống ung thư. Sau khi hành vi lừa đảo bị phát hiện, cảnh sát đã bắt giữ cô, cáo buộc tội lừa đảo cấp độ một với mức án có thể lên tới 10 năm tù.

Những hành vi tương tự như của cô gái trên xảy ra ở nước ta đã xuất hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng. Ví dụ, các đối tượng lừa đảo lập ra rất nhiều tài khoản Facebook, giả danh một ni sư tên tuổi để kêu gọi làm từ thiện và bán thuốc, đến nỗi ni sư này phải nhờ sự giúp đỡ từ phía chính quyền và công an. Có trường hợp đóng giả làm nhà tu hành, trực tiếp kêu gọi, xin tiền làm từ thiện, xây chùa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ những nạn nhân “hằng tâm, hằng sản”.

Phổ biến nhất vẫn là những hành vi đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người bằng cách trưng ra hình ảnh, câu chuyện về những trường hợp thương tâm, bệnh hiểm nghèo, gia cảnh cực kỳ khó khăn… để kêu gọi giúp đỡ rồi chiếm đoạt khoản tiền từ thiện. Công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm hoạt động dưới hình thức này, những kẻ trục lợi trên sự thương người có thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng.

Đáng quan tâm là hoạt động ăn xin có tổ chức, có cả đường dây, “ông trùm” hoặc “bà trùm” điều hành. Trên địa bàn Hà Nội từng xuất hiện nhiều người vô gia cư hành nghề cái bang. Họ lăn lóc trên đường phố, quỳ lạy trước đầu xe, phô ra những hình ảnh gây sự thương hại và bằng mọi cách cố xin tiền. Ngoài ra, người ta cũng nhiều lần bắt gặp những trường hợp “bệnh nhân” xin tiền tàu xe về nhà hoặc thanh niên dắt bộ xe máy xin tiền đổ xăng, hoặc nữa, mẹ con, bà cháu khóc lóc giữa đường vì gặp cảnh éo le.

Những hành vi lợi dụng lòng tốt của mọi người, đánh vào lòng trắc ẩn và khơi gợi sự thương cảm để kiếm tiền không những làm xấu đi hình ảnh của xã hội chúng ta mà còn khiến cộng đồng trở nên cảnh giác trước những hoàn cảnh éo le, bệnh tật hiểm nghèo, đáng thương và cần giúp đỡ. Hơn nữa, nó tạo ra sự vô cảm trước nỗi đau đồng loại, dấy lên sự nghi ngờ và cả sự chai sạn của lòng tốt, sẻ chia và thương người. Cần có những cảnh báo kịp thời từ truyền thông và cả sự quyết liệt dẹp bỏ tệ nạn này từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.

Đọc thêm