Đừng 'lãng quên' đội ngũ 'cô đỡ' thôn, bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện tại, số “cô đỡ” thôn, bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.
Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (ở giữa) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Cô đỡ Tẩn Xa Nhị (ở giữa) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Tại “Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ “cô đỡ” thôn, bản” do Bộ Y tế phối hợp Ủy ban Dân tộc, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) vừa tổ chức; GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, “cô đỡ” thôn, bản người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả, giúp phụ nữ người DTTS không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, được đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.

Được hình thành từ những năm 1990, đội ngũ “cô đỡ” đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

“Cô đỡ” là những người sinh sống tại cộng đồng DTTS, sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Để trở thành “cô đỡ”, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo thực hành tại các BV, “cô đỡ” có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 “cô đỡ” được đào tạo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

Ông Y Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết, Uỷ ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ “cô đỡ” đã ngày đêm không quản nắng mưa đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công sức của đội ngũ “cô đỡ’ đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng duy trì, củng cố phát triển đội ngũ “cô đỡ”, nhưng việc thực thi chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ “cô đỡ” gặp nhiều khó khăn.

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Nga

Nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho “cô đỡ” hoạt động. Theo báo cáo của Bộ Y tế, toàn vùng DTTS có hơn 3.000 “cô đỡ” đã được đào tạo, nhưng đến nay chỉ khoảng 50% đang hoạt động. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 có 1.528 “cô đỡ” được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện số “cô đỡ” được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.

Đọc thêm