Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật.
Suốt 6 năm qua, nhiều địa phương, cá nhân đã đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo riêng.
Những câu ví giặm “gây bão” cộng đồng mạng
Một hotgirl Nghệ An có tên là Ngọc Ánh từng nổi tiếng trên mạng khi khéo léo từ chối lời mời uống rượu bằng cách hát ví giặm ngọt ngào. Theo đó, Ngọc Ánh được mời uống rượu nhưng cô gái Nghệ An đã khéo léo từ chối bằng cách hát ví giặm. Tại bữa cơm thân mật, khi xem màn biểu diễn này, mọi người đều tỏ ra thích thú, chăm chú lắng nghe.
Trong clip, Ngọc Ánh vừa gõ vào bát để tạo âm thanh, nhịp phách cho bài hát: “À ơi, công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Phụ tử tình thâm công thầy nghĩa mẹ”...
Giọng ca ngọt ngào của thiếu nữ hiện được nhiều dân mạng yêu mến. Sau khi clip được chia sẻ đã thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem, hàng chục nghìn lượt thích. Ngọc Ánh có tình yêu đặc biệt với các điệu ví giặm quê hương xứ Nghệ. Nhờ giọng hát hay, cô từng giành nhiều giải thưởng khi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
“Clip do một thành viên trong gia đình tôi bất ngờ quay lại. Đó là bài hát ví giặm nổi tiếng mà người dân Nghệ An nào cũng biết”- Ngọc Ánh phấn khởi. Cô gái trẻ cảm thấy vui và bất ngờ khi phần biểu diễn của mình được nhiều bạn trẻ yêu thích, khen ngợi. Ngọc Ánh tiết lộ từ nhỏ, cô đã được sống trong tình yêu với các điệu hò, bài ca ví giặm của quê hương xứ Nghệ. Lớn lên, 9X mới có cơ hội và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc dân ca.
Trong khi giới trẻ đang đổ xô vào những ca khúc nhạc trẻ, Kpop… thờ ơ với âm nhạc truyền thống thì sự xuất hiện của hotgirl Ngọc Anh đã đem lại làn gió mới cho cộng đồng mạng cũng như “làn sóng” yêu câu hát ví giặm cho giới trẻ.
Để học sinh có hứng thú học tiếng Anh và mong muốn dân ca ví giặm sẽ lan tỏa ra thế giới, cô giáo Đặng Thị Anh Phương đã tự sáng tác và chuyển lời tiếng Anh bằng các điệu ví giặm tập cho các em hát. Nữ Thạc sĩ Đặng Thị Anh Phương hiện là giáo viên bộ môn tiếng Anh của Trường THPT Nghi Xuân (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và là nghệ nhân hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh.
Trong việc dạy học, cô Phương luôn trăn trở làm thế nào để dân ca ví, giặm vào trường học có chiều sâu, lan tỏa thế giới. Nhất là kể từ khi ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng thôi thúc cô giáo trẻ tâm huyết hơn với đam mê mà mình đang theo đuổi.
Cuối năm 2014, được trường đồng ý, cô đề xuất nhà trường thành lập CLB dân ca ví, giặm Trường THPT Nghi Xuân. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, mọi người được cô dạy hát và học các lời mới của các bài ví giặm do nữ giáo viên tự sáng tác. Cùng nhau tìm ra hướng phát triển và cách thu hút nhiều người tham gia để bảo vệ di sản mà ông cha để lại. Đến nay, CLB đã có 60 thành viên bao gồm học sinh và các thầy cô giáo của trường.
Năm 2014, công sức của cô trò đã được đền đáp, khi cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức cô đã đạt Giải Nhì với đề tài “Bảo tồn và phát huy dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh bằng các hoạt động trải nghiệm ở CLB dân ca ví giặm Trường THPT Nghi Xuân”. Đến nay, cô Anh Phương đã sáng tác hàng chục bài hát bằng tiếng Anh dựa trên nền làn điệu giặm Đức Sơn.
|
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO chính thức công nhận Di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2014. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Cũng gây “bão” cộng đồng mạng là thầy giáo xứ Nghệ có tên Nguyễn Cao Bằng (SN 1983), công tác tại Trường Tiểu học Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Thầy giáo Bằng đã thể hiện dân ca ví giặm tuyên truyền phòng chống virus Corona đầy sáng tạo. Bằng những câu từ vô cùng da diết và gần gũi, thầy giáo này đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến học sinh nói riêng cũng như cộng đồng nói chung trong việc phòng chống cũng như ứng phó với dịch bệnh.
Cuối bài hát, thầy giáo 8X cũng mong muốn tình trạng dịch bệnh sớm được cải thiện: “Mong dịch bệnh sớm dập tắt ngay, để mọi người bệnh được khỏe lại ngay, bệnh dịch dập xong an toàn cho cuộc sống, để thế giới bình yên, để cuộc sống yên bình”.
Ngoài sự sáng tạo của hotgirl Ngọc Ánh và các thầy cô giáo, tại quê hương câu ca ví giặm Nghệ An, Hà Tĩnh còn có rất nhiều CLB hát ví giặm. Như CLB dân ca Thị trấn Thiên Cầm, CLB dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, CLB dân ca ví giặm xã Cẩm Mỹ, Cẩm Nhượng, Thị trấn Thiên Cầm, Trường tiểu học Thị trấn Thiên Cầm; Trường mầm non Cẩm Thạch, CLB dân ca ví, giặm trường THPT Nghi Xuân…
Phát huy giá trị của di sản
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL hướng dẫn UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh theo Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình bảo vệ, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, trong đó có Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, theo đúng quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Các Bộ, ngành, địa phương liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh…
Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam.
Dân ca ví giặm là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp). Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa...