Phán xử này được đưa ra sau khi phía Mỹ đã tuyên phạt VW 20 tỷ USD và truy tố, ra lệnh bắt giam một số nhân vật lãnh đạo hãng này ở nước Đức. Những người này sẽ không sao chừng nào không ra khỏi nước Đức bởi luật pháp hiện hành ở nước Đức không cho phép chính phủ đáp ứng yêu cầu dẫn độ của nước ngoài đối với công dân Đức.
Giống như sau khi bị phía Mỹ tuyên bố phạt, hãng VW đã gần như ngay lập tức tuyên bố chấp nhận hình phạt và mức phạt chứ không kháng án.
Vụ việc gian dối này là chuyện tai tiếng tồi tệ nhất đối với hãng VW kể từ vụ tai tiếng bê bối của hãng này liên quan đến thời kỳ nước Đức quốc xã trong thế kỷ trước. Lần này, hãng VW bị kết tội và trừng phạt rất nặng - nặng chưa từng thấy trong lịch sử nước Đức, lại còn đối với một tập đoàn kinh tế và thương hiệu thuộc diện danh giá nhất và uy quyền nhất ở nước Đức.
Ở đây lại còn có thể thấy được rất rõ thâm ý của toà án trong phán xử và trong sự chấp nhận nhanh chóng đến mức vội vàng như thể đang nóng lòng chờ đợi của hãng VW. Tòa án ở Mỹ phạt rất nặng nhưng thật ra không gây bất ngờ vì mức phạt mà toà án ở Mỹ hay tuyên thường rất lớn và phạt 20 tỷ USD đối với một hãng lớn vốn không phải là chuyện hiếm thấy.
Nhưng ở nước Đức thì lại rất khác. Tòa phạt 1 tỷ Euro là mức phạt rất nặng, nặng chưa từng thấy ở nước Đức và ở châu Âu đối với hành vi phạm pháp như VW. Toà án thành phố Braunschweig phạt VW nặng thế thật ra nhằm mục đích giải cứu VW và tránh thiệt hại nhiều hơn nữa cho cả nước Đức về kinh tế cũng như chính trị.
Mục đích của tòa với phán xử này là các nước khác ở châu Âu không khởi kiện và trừng phạt VW nữa, làm cho vụ bê bối này nhanh chóng bị đẩy vào quá khứ, chấm dứt gây tổn hại tiếp nữa cho hãng này và cho nước Đức. VW nhanh chóng chấp nhận hết mọi phán quyết cũng vì thế.
Thực chất ở đây là VW dùng tiền để chuộc tội. Tòa tuyên phạt nặng thì sẽ được tiếng là nghiêm khắc và công minh. Bị cáo chấp nhận mức hình phạt nặng để tạo hình ảnh hối cải và cầu thị. Bị cáo chấp nhận chịu phạt nhiều tiền như thế để vụ tai tiếng không bị phanh phui nữa, để những vi phạm khác nữa không bị chú ý đến.
Hành vi gian dối của VW gây tổn hại trực tiếp đến người sử dụng và môi trường. Hãng này nộp phạt nhiều thì ngân quỹ nhà nước được thêm nhiều chứ người dân bị tổn hại kia có được cái gì đâu.
Phán xử của tòa là thực thi pháp luật, thể hiện nghiêm minh và công lý. Nhưng trong thực chất thì ở đây vẫn có cái gì đó mập mờ. Đúng là tòa không thể có phán xử nào khác đối với một hãng ngoài phạt tiền hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh của hãng vì tòa không thể tuyên bỏ tù một hãng.
Nhưng hãng không thể tự hoạt động mà do con người cụ thể vận hành. Cho nên cá nhân con người phải chịu trách nhiệm thì mới phải. Chỉ phạt tiền hãng không thôi thì vẫn bỏ sót trách nhiệm của những cá nhân liên quan.