Dùng trực thăng đưa chiến sĩ ngoài Côn Đảo về đất liền cấp cứu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quá trình bay từ Vũng Tàu ra đảo Sơn Ca bị ảnh hưởng áp thấp, mưa giông lớn, có những lúc trực thăng phải bay ở độ cao chỉ khoảng 500m - 600m, nhưng tổ bay phối hợp với tổ cấp cứu đường không đã khắc phục khó khăn, không chỉ  đảm bảo an toàn bay mà còn đpá ứng yêu cầu cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân...
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đón bệnh nhân ở đảo Sơn Ca để đưa lên trực thăng.
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đón bệnh nhân ở đảo Sơn Ca để đưa lên trực thăng.

Trước đó, anh P.V.D (sinh năm 1993, công tác tại đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) làm nhiệm vụ khi trời mưa to, bị ngã xuống hào. Bệnh xá đảo Sơn Ca đã tiến hành các biện pháp cấp cứu ban đầu, đồng thời kết nối hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175.

Bệnh nhân được bất động, cố định cột sống cổ, duy trì huyết áp, theo dõi chặt chẽ tri giác, hô hấp đặc biệt chú ý tăng tiết đờm của bệnh nhân. Do tình trạng bệnh nhân tiến triển xấu nên được đề nghị đưa sớm về đất liền điều trị.

Được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 18 đã điều trực thăng phối hợp với Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do Đại úy, bác sĩ Phạm Công Tình – Khoa Hồi sức tích cực làm tổ trưởng bay ra đảo Sơn Ca đưa bệnh nhân về đất liền.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên máy bay không thể trực tiếp bay từ bãi đáp trực thăng của bệnh viện. Tổ cấp cứu đường không đã đi từ TP HCM xuống Vũng Tàu lúc 23h30 ngày 4/1 và xuất phát bay ra huyện đảo Trường Sa lớn lúc 6h24 sáng 5/1.

Đại úy, bác sĩ Phạm Công Tình theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trên máy bay.

Đại úy, bác sĩ Phạm Công Tình theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trên máy bay.

Bác sĩ Phạm Công Tình cho biết, tiếp nhận bệnh nhân ngoài đảo Sơn Ca lúc 12h trong tình trạng tri giác tỉnh, tiếp xúc chậm, có biểu hiện liệt tứ chi, đặc biệt liệt hoàn toàn nửa người bên phải, bên trái yếu, bệnh nhân tự thở được, các chỉ số mạch, huyết áp, SPO2 vẫn trong giới hạn ổn định. Bệnh nhân không có chấn thương khác ở các vị trí vùng ngực, bụng, chi thể. Trong quá trình chuyển bằng máy bay về, tổ cấp cứu đã theo dõi sâu sát, cơ bản bệnh nhân không có diễn biến xấu hơn so với ở ngoài đảo Sơn Ca.

Trung tá Đinh Hoàng Long, Trưởng phòng huấn luyện tiêu chuẩn khai thác, Công ty Bay miền Nam - Binh Đoàn 18 cho biết, trong quá trình bay, do ảnh hưởng áp thấp, suốt dọc đường bay từ Vũng Tàu ra đảo Sơn Ca gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết như trần mây thấp, tầm nhìn kém, mưa lớn, giông và độ che phủ mây rất lớn. Tổ bay phối hợp với tổ cấp cứu đường không đã khắc phục khó khăn, không chỉ đáp ứng được an toàn bay mà còn phải đáp ứng được an toàn, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.

“Trần bay thấp có những lúc phải bay ở độ cao chỉ khoảng 500m - 600m. Tuy nhiên, vượt qua rất nhiều khó khăn, chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 lúc hơn 17h ngày 5/1/2023. Đây là một trong những nhiệm vụ bay kéo dài phức tạp trên biển, nên tổ bay đã bổ sung thêm 1 nhân sự để hỗ trợ, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện làm việc khắc nghiệt”, Trung tá Đinh Hoàng Long thông tin thêm.

Đọc thêm