Tiện thì có tiện…
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn - Chất lượng nông nghiệp, thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ ) cho biết, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng bia chỉ khoảng 10%/năm, sản lượng rượu giảm thì sản lượng nước khoáng tăng tới 18% và sản lượng nước tinh khiết tăng 16%.
Với sự tiện dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại, nước uống đóng chai đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo thống kê, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 130 sản phẩm nước uống đóng chai với rất nhiều chủng loại phong phú. Về nước khoáng có Lavie, Vital, Kim Bôi, Tiền Hải, Quang Hanh, Vĩnh Hảo, Revve..; Nước đóng chai có Aquafina…; nước tinh khiết như Dasani, Wells…
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, nước uống đóng chai là sản phẩm được sử dụng để uống trực tiếp, có thể chứa các khoáng chất và cacbon dioxit (CO2) tự nhiên hoặc bổ sung nhưng không phải nước khoáng thiên nhiên đóng chai và không chứa đường, các chất tạo ngọt, các chất tạo hương hoặc bất kỳ chất nào khác. Bộ Y tế cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai (QCVN 6-1:2010) và các quy định về kỹ thuật, ghi nhãn… Do vậy, ngoài sự tiện lợi thì nước uống đóng chai còn được tin dùng bởi lý do sức khỏe…
Báo động chất lượng
Bên cạnh những con số tăng trưởng về sản lượng và mức tiêu thụ, theo đại diện Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của nhóm sản phẩm đồ uống, trong đó có nước uống đóng chai hiện rất đáng báo động.
Ông Hưng cho biết, nước khoáng là loại nước uống đặc biệt, phải được đóng chai tại nguồn, tuy nhiên có nhiều loại nước được gọi là nước khoáng nhưng không được đóng chai tại nguồn, thậm chí giả mạo.
Với nước tinh khiết, ngoài các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ. Không ít các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai tự quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình là nước khoáng thiên nhiên, nước uống thiên nhiên tinh khiết được sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất.
Nhưng thực chất chỉ là nước giếng khoan, nước máy được lọc bằng than hay cát sỏi, không thể loại trừ các yếu tố ô nhiễm như asen hay vi khuẩn E. Coli... Đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước uống đóng chai có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ còn chưa được đầu tư thoả đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh...
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas Nguyễn Mạnh Hùng rùng mình khi kể lại chuyện tận mắt ông chứng kiến một sơ sở sản xuất nước đóng chai thuộc Văn phòng Tỉnh ủy của một tỉnh miền núi phía Bắc.
Hồ sơ do Giám đốc trình lên thì rất đầy đủ, dấu đỏ chót nhưng khi kiểm tra thực tế thì đoàn kiểm tra giật mình, đại diện Sở Y tế tái mặt. Nguồn nước của cơ sở này lấy từ giếng ngay lối đi lại của người dân, nắp đậy rất hớ hênh, ngó xuống giếng thì rất bẩn. Trên hồ sơ ghi máy móc của Mỹ nhưng thực tế lại không phải như vậy.
“Tôi không hiểu vì sao một sơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh như vậy lại được các đơn vị chức năng xác nhận đủ điều kiện… Quản lý nhà nước không phải xác nhận là xong mà cần phải hậu kiểm”- ông Hùng đề nghị.
Không chỉ các loại nước đóng chai do các cơ sở sản xuất nhỏ có vấn đề mà theo ông Hùng, ngay cả những thương hiệu nổi tiếng cũng gặp sự cố mà chính Vinastas đã từng tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng (NTD) về trường hợp nước Lavie có mùi do để trong môi trường bẩn. “Dây chuyền, công nghệ hiện đại nhưng việc bảo quản của người bán và chính NTD không đúng cũng là nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh…”- ông Hùng lưu ý.
Không chỉ có thế, NTD còn còn phải đối phó với ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu từ Trung Quốc. “Có loại nước đóng chai, đóng bình với những tên gọi “mĩ miều”, được in kèm dòng chữ như: sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím... ở nhãn mác, cộng thêm chiêu bán hàng với dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí, mua một tặng một..., các nhà sản xuất “bẩn” vẫn lừa được vô số các “thượng đế” bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm...”, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn - Chất lượng nông nghiệp, thực phẩm Nguyễn Thành Hưng lưu ý.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, hiện nhiều NTD vẫn không phân biệt được nước khoáng, nước suối và nước tinh khiết mà sử dụng chủ yếu do cảm quan và “tin thì dùng”. Mặc dù có những điểm giống nhau nhưng thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng rất khác nhau, do đó cần cân nhắc khi sử dụng.
Ví dụ, nước tinh khiết và nước suối chỉ để giải khát, cung cấp nước hàng ngày; nước khoáng ngoài giải khát còn cung cấp nhiều nguyên tố vi lượng cho sức khỏe, giúp chữa bệnh, làm đẹp. Hàm lượng khoáng chất calci, kẽm, coban, natri... có lợi bồi bổ sức khỏe cho người già, người chơi thể thao, phụ nữ có thai nhưng cần chú ý với người bệnh suy thận, tăng huyết áp...; nước khoáng không thay thế được nước tinh khiết…