Dùng văn hóa để nâng tầm thương hiệu cây sen Việt

(PLVN) - Chẳng biết từ bao giờ cây sen đã sinh trưởng ở Việt Nam. Mang vẻ đẹp thanh khiết, cao quý - sen trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt. Bên cạnh ý nghĩa về tinh thần, hoa sen cũng đem lại những giá trị thực tiễn, như những đóa sen Bách Diệp ở Tây Hồ không chỉ đẹp mà còn cho ra món trà sen tuyệt hảo làm say đắm bao thực khách.
Sen Việt Nam nói chung và sen Bách Diệp ở Tây Hồ nói riêng đều có tiềm năng lan tỏa hương sắc, vươn tầm quốc tế.

Sen - biểu tượng văn hóa

Xuất phát từ mong muốn tôn vinh những giá trị độc đáo của hoa sen, đặc biệt là sen Tây Hồ trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa phối hợp với các đối tác đã tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát huy giá trị của sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay”, nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, như lời khẳng định của bà Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ.

Trong buổi tọa đàm, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhận định sen là một biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, cây hoa sen đại diện cho vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết, tâm hồn thiện lành “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đặc biệt, sen đã đi vào những áng thơ văn, bài hát của người dân Việt Nam, ngay cả trong công trình kiến trúc ngàn năm tuổi cũng có hình bóng của sen.

Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây, ông Bùi Mạnh Hiếu cũng chia sẻ, cây sen Bách Diệp đã trở thành một biểu tượng của Tây Hồ từ bao đời nay. Ở những thế kỷ trước, khi cuộc sống còn khó khăn, có được một tách trà sen Tây Hồ là một thú chơi của các nghệ nhân và những người Tràng An tinh tế. Đến thời hiện đại, món “Thiên cổ đệ nhất trà” của Tây Hồ đã trở thành đặc sản không thể thiếu của người Hà Nội đem đi biếu, đi tặng khách quý. Hương trà thơm ngọt, vị trà thanh mát, hơi chát nhẹ đã trở thành một thức quà được nhiều người cất giữ trong ngăn lạnh, chờ dịp quan trọng mang ra dùng.

Cụ Nguyễn Thị Dần, nghệ nhân 101 tuổi - người góp phần đưa sản phẩm trà sen Việt Nam vươn xa. (Ảnh trong bài: Nguyệt Thương)

Theo ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với khả năng sáng tạo, tư duy nhạy bén, cùng đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, doanh nghiệp, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên những sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu như khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nói về công tác khôi phục, bảo tồn giống sen Bách Diệp tại Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng Ban Quản lý Hồ Tây - ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quận đã triển khai thí điểm khôi phục diện tích trồng sen Bách Diệp với 9 hồ sen trên diện tích 10ha. Sắp tới, quận Tây Hồ sẽ phủ kín toàn bộ các đầm, hồ bằng cây sen. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, nhằm phát huy giá trị, tôn vinh và quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ nói riêng và sen Việt Nam nói chung, UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan đã đồng hành xây dựng khung chương trình Lễ hội Sen Hà Nội 2024 với không gian mở và nhiều sự kiện có ý nghĩa. Lễ hội được tổ chức trong 5 ngày bắt đầu từ ngày 12/7 đến hết 16/7 với nhiều hoạt động độc đáo, đặc sắc như giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản về sen, đạp xe, vẽ tranh hoa sen, mặc áo dài in hình hoa sen…

Đọc thêm