Nâng tầm giá trị ẩm thực Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huế là địa phương được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng và thế mạnh tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực ẩm thực. Mới đây, UBND TP Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ẩm thực truyền thống luôn hấp dẫn du khách mỗi lần đặt chân đến Huế.
Ẩm thực truyền thống luôn hấp dẫn du khách mỗi lần đặt chân đến Huế.

Theo số liệu, Huế có 1.700 món ăn, thức uống, được chia 3 loại: Ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay cùng với nghệ thuật bày biện đẹp mắt và nghệ thuật thưởng thức tinh tế. Chính vì vậy, việc thành phố xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực là việc làm cần thiết trong tiến trình xây dựng “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có những sự kiện, hoạt động để khẳng định lợi thế cạnh tranh của ẩm thực, nhất là trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Từ ẩm thực dân gian cho đến ẩm thực cung đình luôn được Huế giới thiệu đến du khách và bạn bè quốc tế.

Ông Vũ Hoài Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Huế cho rằng, chính sự đa dạng của nguồn nguyên, vật liệu, từ dân dã cho tới sơn hào hải vị và đôi bàn tay của các nghệ nhân, đầu bếp, người làm ẩm thực, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình đã nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế lên một đẳng cấp vượt trội.

Năm 2023, trong “Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam”, Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất được vinh danh 6 món ăn (Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay) trong 121 món ẩm thực tiêu biểu của 3 miền.

Trong top 10 kỷ lục châu Á năm 2023, Thừa Thiên Huế có 2 kỷ lục được xác lập kỷ lục châu Á là món ăn đặc sản cơm hến và 1 đặc sản quà tặng mè xửng.

Cơm hến Huế - món ăn dân dã không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực của Cố đô.

Cơm hến Huế - món ăn dân dã không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực của Cố đô.

Với định hướng đưa TP Huế trở thành một trong những thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực vào năm 2025, tháng 4/2024 UBND TP Huế tổ chức “Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024” với sự tham gia của các tỉnh và thành phố lớn, như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Huế... Hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực.

Theo ông Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND TP Huế thông qua tuần lễ ẩm thực, tiếp tục khẳng định Huế là nơi lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian. Đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung trọng tâm xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Sau thành công của Tuần lễ Ẩm thực, tháng 6/2024, trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2024 tổ chức lễ hội ẩm thực chay với quy mô 36 gian hàng, 45 đơn vị tham gia, hơn 72 món ăn đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trong, ngoài tỉnh.

Chỉ sau 2 đêm diễn ra, lễ hội đã thu hút hơn 2.000 người dân và du khách đến thưởng thức các món ăn chay, góp phần quảng bá và tôn vinh ẩm thực chay đến với người dân, du khách.

Nhiều người dân và khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực chay tại lễ hội ẩm thực chay - Festival Huế 2024.

Nhiều người dân và khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực chay tại lễ hội ẩm thực chay - Festival Huế 2024.

Theo Đại đức Thích Huệ Trọng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh, ẩm thực chay là phong cách ăn uống ngày càng trở nên phổ biến khi số người tham gia hưởng ứng ngày càng đông. Thay vì sử dụng thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ động vật, người ăn chay tập trung vào các nguồn thực phẩm từ rau, củ, quả, đậu và các loại hạt. Chính những điều này đã tạo cho ẩm thực chay Huế một nét riêng đặc sắc, đây cũng chính là động lực để Huế phát triển lĩnh vực ẩm thực chay trong các kỳ lễ hội.

Lợi thế là vậy, nhưng việc khai thác lợi thế để đưa vào làm du lịch vẫn còn hạn chế. Nhiều du khách cho rằng, ẩm thực Huế có sức hút với du khách, nhưng số lượng món ăn mà khách biết đến vẫn còn rất giới hạn, ngoại trừ những món phổ biến như: Bún bò Huế, cơm, bún hến, bánh bèo, nậm, lọc… Phải làm sao có những chương trình định kỳ, để hằng năm họ lại đến Huế thưởng thức thêm nhiều món ngon mà chuyến du lịch trước đó họ chưa được thử.

Để khai thác tài nguyên này cho phát triển du lịch, địa phương đã và đang triển khai những kế hoạch dài hơi nhằm gìn giữ, xây dựng phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Huế, biến thương hiệu văn hóa thành thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách.

Xây dựng các chương trình quảng bá, lan tỏa văn hóa ẩm thực và các tour du lịch khám phá ẩm thực là cách làm có thể hướng đến. Mỗi món ăn là một câu chuyện, thậm chí còn là một truyền thuyết, ở đó kết tinh tinh hoa của cả một nền văn hóa truyền thống lâu đời và phong phú. Để “món ngon nhớ lâu”, người làm du lịch cần tạo ra thêm những trải nghiệm cho du khách, lúc ấy món ăn sẽ đã trở thành nghệ thuật ẩm thực tinh tế.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, sắp tới, ngành sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động để khai thác và nâng tầm ẩm thực Huế gắn với các hoạt động du lịch một cách bài bản hơn.

Đọc thêm