'Hồ Tây ngát hương, mùa sen tháng Sáu'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sen Hồ Tây đã đi vào tiềm thức không chỉ của người Hà Nội. Bởi chỉ Hồ Tây mới có món quà tinh túy của trời đất kinh thành Thăng Long xưa - sen Bách Diệp, loài hoa 100 cánh dày ba lớp, không nơi đâu có hương sen dịu ngọt, tinh tế cho bằng Hồ Tây…
Sáng sớm (khoảng từ 4-5 giờ sáng), khi ánh ban mai chưa kịp chiếu rọi là thời điểm sen tỏa ra hương thơm ngào ngạt nhất, người làm trà sen nhẹ nhàng chèo con thuyền nhỏ len lỏi khắp hồ hái những đóa sen vừa nở.
Sáng sớm (khoảng từ 4-5 giờ sáng), khi ánh ban mai chưa kịp chiếu rọi là thời điểm sen tỏa ra hương thơm ngào ngạt nhất, người làm trà sen nhẹ nhàng chèo con thuyền nhỏ len lỏi khắp hồ hái những đóa sen vừa nở.

Những vạt sen trăm cánh ngàn năm

Người Hà Nội tự hào rằng: “Đấy vàng đây cũng đồng đen. Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ”. Sen Tây Hồ nguyên là thứ sen trăm cánh, thường được gọi là Bách Diệp liên, hương đằm và sâu. Ngày giữa hè, sen đua nhau nảy nở. Bông cao vượt lá, bông thấp chen lá mà lên. Càng cuối hè, sen càng thẫm và có phần cuống sậm hơn.

Cũng từ lâu ở Hà Nội, nhắc đến hoa sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp trồng ở hồ Tây. Giống như một vùng đất dành riêng cho loài hoa này, những bông sen hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh túy trời đất nơi “địa linh”, có màu sắc và hương vị đặc biệt, đậm đà hơn các vùng đất khác.

Không sách nào ghi sen ở Hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven Hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11. Sở dĩ ly cung, biệt điện xây dựng bên vạt sen vì nhà Lý được coi là triều đại quân chủ Phật giáo và sen, hoa sen có giá trị biểu tượng nhiều mặt trong đạo Phật. Đến thời nhà Trần, Hồ Tây cũng là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho các đại quan trong triều.

Đầu thế kỷ 20, vào tháng 6, 7, dân các làng Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá mua hoa sen của các chủ thầu, gánh vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh bán từng gánh lớn cho các bà hàng phố mua hoa lấy nhụy ướp chè. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, về sen Hồ Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Trước đây ven hồ nhiều sen, về mùa hạ sen mọc kín, lá xanh rờn, hoa đỏ bát ngát gió đưa hơi mát đượm hương thơm lừng”.

Hoa sen Tây Hồ không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp vô thường, mà còn bởi sen đã đi vào thi ca nhạc họa thật nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý: “Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen/Em được thì cho anh xin/Hay là em để làm tin trong nhà” hay ca từ huyền ảo của nhạc sĩ họ Trịnh: “Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở. Một thuở yêu nhau…”.

Trước kia, Hồ Tây mênh mông với diện tích trồng sen tự nhiên rất lớn, thì nay các đầm sen đã bị thu hẹp đáng kể do nhu cầu mở rộng đất ở đô thị. Và rồi từ các đầm sen, trà sen Tây Hồ, tinh hoa trà Việt đã góp phần thu hút và níu giữ du khách đến thăm quan khám phá mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hương vị đặc biệt thơm ngon quyến rũ của nó thật khó mà tả hết, một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên. Nhấp ngụm trà mà tâm hồn thư thái lâng lâng, thấy sao lưu luyến mảnh đất và con người Hà Nội đến thế.

Dẫu nhiều người trầm trồ trước ý nghĩa của hoa sen, mùi hương quyến rũ của gạo sen, vẻ đẹp kỳ ảo của đầm sen... nhưng không mấy ai biết những ngóc ngách của nghề sen. Cụ Nguyễn Thị Dần, nghệ nhân làm trà sen qua hai thế kỷ, năm nay cụ đã 105 tuổi, trải lòng: “Người làm nghề sen, không chỉ coi sen là bạn mà còn phải coi cả những người cùng nghề như họ hàng thân thích. Bởi nếu cư xử với nhau tệ bạc, sen nó phụ mình ngay. Phải có nghĩa với nó, nó mới thương mình. Thời tôi còn son, cả làng có hơn chục người làm nghề, quý nhau như anh em một nhà. Qua thời gian mọi người mất cả, chỉ còn lại tôi”.

Người mua sen ngày xưa ở Hà Nội rất khó tính, chỉ một lần mất tín, là bị tẩy chay ngay. Cái mất tín ở đây không phải chuyện giao hàng lỗi hẹn, mà là phạm phải điều kiêng kỵ. Sen tỏa hương, người mua sen lấy gạo ướp chè, kỵ nhất phụ nữ đến kỳ mà vẫn ham lợi đi bán sen. Vì thế, nếu tới tháng chỉ cần bảo với người mua sen là hôm nay tôi bận, họ sẽ tự hiểu ngay. Xưa là vậy còn ngày nay người ta mua bán sen ào ào, chả kiêng gì cả”.

Gắn bó với sen, cụ Dần hiểu sen như con người. Nhìn sen nở trong đầm, nếu thấy có hoa sinh đôi là an tâm vì vụ sen tiếp tục rộ. Khi thấy hoa cuống thâm, là dấu chỉ báo hiệu sen sắp hết mùa, hết lứa. Nếu lá to như cái dù, cứng, mặt trên xanh nhưng mặt dưới ngả đen là biết hoa sắp mất lứa. Còn lá cả hai mặt căng đều, xanh mởn, ấy là sen sắp vào lứa...

Phát triển du lịch và làm “sống dậy” những vùng sen nức tiếng

Sen Bách Diệp Tây Hồ. (Ảnh: P.V)

Sen Bách Diệp Tây Hồ. (Ảnh: P.V)

Mùa sen về, nhiều bạn trẻ thường xuyên tìm đến đây để thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp của sen qua ống kính máy ảnh. Những tốp đạp xe sớm, giờ dễ có đến hàng trăm người sáng sáng lượn quanh hồ, hòa giữa cái tinh khôi của trời đất, thảnh thơi giữa những đầm, những hồ sen thoảng hương. Tất cả đang hình thành một sự giao thoa giữa xưa và nay, tạo nên một nét văn hóa mới, một hình ảnh mới của người Hà Nội.

Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”- hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có là kết tinh, hội tụ của các giá trị tài nguyên văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội.

Đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao…

Với mục đích kết hợp giữa khai thác các sản phẩm từ sen kết hợp phục vụ du lịch, hầu hết các đầm sen đều có các dịch vụ cho thuê quần áo, đạo cụ để chụp ảnh. Các chủ đầm đều phục vụ trà sen, một số đầm còn có thêm các dịch vụ ăn uống khác.

Đầm Trị, cái tên nổi tiếng nhất trong số các hồ sen quanh Hồ Tây, đã có thời gian tưởng như bị xóa sổ. Không ai biết vì sao Đầm Trị lại cho loại sen quý như thế, nhưng cùng một giống sen, đem trồng ở Đầm Trị và các đầm khác, thì sen Đầm Trị to bông, thắm màu và có hương thơm đặc biệt nhất. Sen Đầm Trị mới được gây lại những năm gần đây sau những ngày cải tạo đường xá và vì mục tiêu phát triển đô thị.

Bởi vậy, đề án “Khôi phục, phát triển trồng cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực Hồ Tây” nhằm gìn giữ, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chè sen; hướng đến giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.

Để khôi phục và phát triển nghề trồng sen, quận Tây Hồ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thực hiện dự án Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ. Theo đó, 3 đơn vị sẽ phối hợp trồng sen chất lượng cao trên diện tích là 7,5 ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ trên (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân). Các sản phẩm từ sen là hoa để ướp chè, hoa để trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch. Sen Hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ, đây là loại sen đặc biệt, có tới 100 cánh.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tại sự kiện Lễ hội sen Hà Nội sẽ đưa 30 giống sen mới nhất để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời sẽ phối hợp với đại sứ quán Nhật để sen Tây Hồ sẽ có ngay cả trong mùa đông. Tới đây, Tây Hồ sẽ làm sống lại các đầm sen đã từng nức tiếng xưa nay.

Người Hà Nội yêu sen, sen cũng thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng đồng đất Hà Nội và sinh trưởng tốt, không phụ lòng người. Nhưng để những đầm sen thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, cũng như tạo cơ hội cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay tại quê hương, theo các chuyên gia, Hà Nội cần hình thành mô hình làng nghề sen như nhiều làng nghề truyền thống khác, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Có làng nghề sen cũng thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm OCOP, trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đích hướng đến là ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng làng nghề sen gắn giữa sản xuất với du lịch, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen…

Và một lễ hội sen được tổ chức quy mô, bài bản chắc chắn sẽ làm tốt việc quảng bá hình ảnh cây sen Hà Nội ra với bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Nâng tầm cho cây sen Hà Nội trong đời sống hôm nay cũng là mong mỏi của những nghệ nhân cả đời đau đáu với cây sen, với các sản phẩm độc đáo từ sen...

Cùng với sự phát triển của đời sống đô thị, đến nay giống sen quý Tây Hồ cũng đã “bén duyên” trên nhiều vùng đất khác, trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của bà con nhiều vùng ngoại thành. Nhưng sâu xa trong tiềm thức người Hà Nội, sen vẫn là hình ảnh đẹp gắn với hồ Tây. Vì thế nhiều người mong về một Lễ hội Sen Hà Nội ngày nào đó sẽ hiện diện ở những con phố thơ mộng, lãng đãng sương bên bờ hồ Tây lộng gió. Và nay đang dần trở thành hiện thực…

Lễ hội Sen Tây Hồ được tổ chức trong 5 ngày, từ 12/7/2024 đến 16/7/2024 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ diễn ra lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ. Với mục đích quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của “Sen” - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Đồng thời, người vùng sen Tây Hồ muốn giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hoá Sen trong đời sống người Việt. Và đây còn là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước. Đây cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen và hy vọng sẽ mở ra lễ hội thường niên cũng như thêm điểm đến quyến rũ nức lòng du khách muôn phương…