Nón ngựa Phú Gia - biểu tượng cho sự mạnh mẽ của con nhà võ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sản phẩm nón ngựa Phú Gia không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà còn là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.
Nón ngựa Phú Gia là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ.
Nón ngựa Phú Gia là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ.

Ngày 12/9, UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tại Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL ngày 9/4/2024.

Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm. Hiện làng nghề có khoảng 300 hộ tham gia sản xuất nón ngựa. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa được xuất đi các tỉnh, thành khắp cả nước. Đây chính là động lực để những người làm nghề nơi đây quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.

Đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”.
Đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”.

Theo các nghệ nhân làng nghề, sản phẩm nón ngựa Phú Gia không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà còn là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

Sở dĩ dân gian gọi nón ngựa trước hết là vì nó dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa. Bên cạnh đó, thuở xưa, nón ngựa Phú Gia được sản xuất chỉ dành riêng giới phong lưu, quyền quý, thường sử dụng trong lúc cưỡi ngựa; còn những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón thì được giới quan binh đội trên đầu khi cưỡi ngựa, nhằm thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến.

Chính vì thế mà nón của làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia nổi tiếng có hoa văn tinh xảo, sang trọng mà ít ở đâu có được, đặc biệt là các mẫu hoa văn như: mai, lan, cúc, trúc. Bởi, nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa…

Là người đam mê và là một nghệ nhân thực hành, truyền dạy nghề chằm nón ngựa Phú Gia, ông Đỗ Văn Lan rất phấn khởi khi nghề mình tâm huyết được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông tự hào và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân đã có công sáng tạo, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản để thế hệ hôm nay được thừa hưởng thành quả quý giá này.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan chằm nón ngựa Phú Gia.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan chằm nón ngựa Phú Gia.

“Tôi sẽ nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo hết mình để cống hiến công sức, trí tuệ, khả năng của bản thân nhằm gìn giữ và lan tỏa di sản này. Tôi cũng mong lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích nghệ nhân, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia xứng tầm với một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Lan chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia là một trong những niềm tự hào của người dân Cát Tường nói riêng và người dân Phù Cát nói chung. Đây là một sản phẩm ghi dấu ấn với sự hình thành và phát triển của Phù Cát, là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân Phù Cát.

“Làng nghề dần trở thành một điểm đến du lịch, không chỉ mang đến sự thích thú cho du khách Việt mà còn có cả những du khách nước ngoài. Việc Trung ương công nhận, ghi danh nghề chằm nón ngựa Phú gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa từ loại hình di sản văn hóa phi vật thể này”, ông Hưng cho biết.

Nhiều chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón.
Nhiều chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón.

Trong thời gian tới, huyện Phù Cát quyết tâm triển khai thành công đề án bảo vệ và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống - nghề chằm nón ngựa Phú Gia. Đây là tài nguyên văn hóa giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, làm cho hoạt động du lịch ngày thêm phong phú. Địa phương cũng tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất của làng nghề phát triển sản xuất theo hướng liên kết tạo sản phẩm hàng hóa độc đáo, mang giá trị đặc trưng của làng nghề; đồng thời xây dựng, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng…

“Hy vọng những việc làm này sẽ góp phần tạo động lực để người làm nghề ở làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia an tâm giữ nghề, giữ lại nét tinh hoa văn hóa của cha ông; tiếp tục bảo tồn, lưu giữ nét truyền thống văn hóa riêng có của nón ngựa Phú Gia - sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa người Phù Cát, Bình Định”, ông Hưng nhấn mạnh

“Việc nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung”, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Đọc thêm