Làng nghề làm lồng đèn thời số hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tồn tại qua nhiều thập kỷ, làng nghề lồng đèn lớn nhất khu vực miền Nam Phú Bình đã trải qua một thời kỳ rất hưng thịnh. Tuy nhiên, trước sự biến đổi của xã hội và thị trường, làng nghề đã không còn những ngày vàng son thuở trước...
Nghệ nhân đang tỉ mẩn làm nên chiếc lồng đèn Trung thu. (Ảnh: Q.A)
Nghệ nhân đang tỉ mẩn làm nên chiếc lồng đèn Trung thu. (Ảnh: Q.A)

Một thời lồng đèn rực sáng

Cứ mỗi mùa Trung thu đến, làng nghề làm lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP Hồ Chí Minh) lại đông vui tấp nập hơn hẳn ngày thường. Cả con phố rực lên bởi những chiếc lồng đèn treo đủ màu sắc. Những nghệ nhân thoăn thoắt làm lồng đèn để kịp cho Trung thu đến.

Làng nghề làm lồng đèn Phú Bình có lịch sử hình thành và phát triển từ hơn 50 năm, khi các thế hệ trước đây đã bắt đầu nghề làm lồng đèn từ những nguyên liệu đơn giản như tre, giấy màu và keo dán. Nghề làm lồng đèn ở Phú Bình không chỉ là một công việc mưu sinh mà còn là một nghệ thuật truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác.

Các nghệ nhân trong làng nghề cho biết, nghề làm lồng đèn ở Phú Bình có xuất phát từ các nghệ nhân ở làng nghề Bác Cổ, Nam Định. Hơn 50 năm tồn tại, cha truyền con nối, làng nghề vẫn duy trì cho đến ngày nay dẫu quy mô thu hẹp hơn xưa rất nhiều. Các nghệ nhân kể rằng, thời xưa, cách đây hai, ba chục năm, làng lồng đèn ở thời cực thịnh, có hàng trăm hộ gia đình nơi đây cùng nhau làm lồng đèn.

Mỗi chiếc lồng đèn không chỉ là một vật trang trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, kết tinh từ sự tỉ mỉ và sáng tạo của người thợ. Vào những ngày rằm Trung thu, những con phố nhỏ ở Phú Bình rực rỡ ánh sáng lung linh từ hàng loạt lồng đèn, tạo nên một khung cảnh đầy sắc màu và thơ mộng với chiếc đèn lồng đủ màu sắc, đủ hình dạng, từ lồng đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn con gà...

Thời ấy, cứ mỗi mùa Trung thu đến, đơn hàng lồng đèn từ khắp các cửa hàng ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, thậm chí cả miền Trung đến tấp nập, nghệ nhân làm luôn tay, tập trung hết công suất mà cũng không hết việc. Lồng đèn Phú Bình từng được trẻ em khắp mọi miền đất nước cầm trên tay, tung tăng rước đèn mỗi mùa Trung thu tới, trở thành kí ức không thể quên trong tuổi thơ của biết bao người. Khi ấy, ngoài cung cấp lồng đèn cho thị trường trong nước, lồng đèn Phú Bình còn xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… và được người dân các nước này rất ưa chuộng.

Theo các nghệ nhân, làm được lồng đèn không quá khó, nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ của người nghệ nhân. Nghệ nhân phải chú trọng từ khâu chọn vật liệu đến chẻ tre, tạo hình, dán giấy bóng kính, vẽ trang trí… Có những chiếc lồng đèn đơn giản chỉ mất 15 phút với người thợ lành nghề, nhưng cũng có những chiếc lồng đèn tinh xảo người thợ phải làm 1 - 2 ngày mới xong. Và có những chiếc lồng đèn được đặt hàng để trưng bày tại các cửa hàng, khu vực lớn, nhiều nghệ nhân cùng nhau làm nhiều ngày mới hoàn tất được.

Với người mua thông thường, đôi khi không phân biệt được các loại lồng đèn với nhau, nhưng với những người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn là có thể đoán biết chiếc lồng đèn ấy đến từ làng nghề nào. Có một số làng nghề làm lồng đèn ở TP Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận, nhưng lồng đèn Phú Bình luôn được ưa chuộng bởi độ sắc nét, tinh tế, những đường uốn nan tre hoàn hảo, những đường dán keo nhuần nhuyễn, màu sắc lộng lẫy nhưng dịu mắt, lớp màu bóng đẹp...

Các nghệ nhân cho biết, tay nghề của nghệ nhân là bí quyết truyền đời từ thời cha ông, những người thợ làm lồng đèn tài hoa làng Bác Cổ, truyền cho con cháu trong nhà. Với nhiều nghệ nhân, làm lồng đèn không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà còn là tình yêu, là niềm say mê, là hạnh phúc mỗi khi có một chiếc lồng đèn được ra đời, được thắp sáng. Và họ trao niềm đam mê cùng tình yêu ấy cho các thế hệ truyền đời.

Đổi thay để tồn tại và phát triển

Tuy nhiên, như nhiều làng nghề truyền thống khác, Phú Bình không tránh khỏi sự biến đổi trước dòng chảy của thời gian và sự phát triển của xã hội. Với sự xuất hiện của các sản phẩm lồng đèn công nghiệp, được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ, thị trường dành cho lồng đèn thủ công đã bị thu hẹp đáng kể. Những chiếc lồng đèn truyền thống đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tỉ mỉ để chế tác, nhưng lại khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp về giá cả.

Ở thập niên 2000 trở đi, sự đổ bộ của lồng đèn Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam đã làm thay đổi thị hiếu của người dân trong việc chơi lồng đèn. Những chiếc lồng đèn làm bằng chất liệu nhựa, chạy pin, vừa có ánh sáng chớp nháy đủ màu sắc, vừa có âm nhạc ồn ã phát ra, rất tiện dụng và bắt mắt thu hút lũ trẻ con ham đồ chơi lạ. Thế là nghề làm lồng đèn truyền thống đi xuống, đơn hàng ít ỏi đi, nhiều gia đình không còn trụ được với nghề, phải chuyển đổi nghề khác để mưu sinh.

Làng nghề từng một thời tấp nập, huy hoàng lúc ấy chỉ còn lại hơn chục hộ gia đình vẫn nỗ lực làm đèn lồng. Để bám trụ với cái nghề cha ông truyền lại, những gia đình nghệ nhân ấy đã phải loay hoay đủ cách để mưu sinh, làm thêm những công việc khác kiếm tiền, đắp đổi chờ mùa Trung thu đến. Rồi họ cũng phải cố gắng học hỏi, bắt kịp nhu cầu của thị trường. Không chỉ làm lồng đèn nan tre giấy màu, những loại lồng đèn từ chất liệu khác cũng ra đời, đặc biệt là hình thức cũng được đổi mới nhiều. Trên thị trường ưa chuộng hình mẫu gì, nghệ nhân cập nhật và sáng tạo ra lồng đèn theo hình ảnh ấy.

Cứ như vậy, rồi những ngày gian khó cũng qua đi. Hơn 6 năm trở lại đây, thị trường đã chán với những chiếc lồng đèn chạy pin vô hồn, bỗng quay lại ưa chuộng lồng đèn truyền thống. Dường như người ta bắt đầu nhận ra được vẻ đẹp mang đầy hồn cốt văn hóa từ những chiếc lồng đèn nan tre giấy màu được người nghệ nhân tỉ mỉ chế biến ra bằng cả tâm sức và tình yêu. Chơi lồng đèn mùa Trung thu giờ đây cũng không chỉ có trẻ em, mà cả người lớn, người trẻ.

Các nghệ nhân ở làng nghề chia sẻ, những năm gần đây, ngoài đơn từ các điểm bán lồng đèn, họ còn nhận đơn hàng từ các tổ chức từ thiện phát lồng đèn cho trẻ em, những đêm hội Trung thu... Lồng đèn làng Phú Bình cũng xuất hiện tại nhiều sự kiện lễ hội Trung thu ở TP Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh, thành. Những nghệ nhân cập nhật thời cuộc cũng đã bắt đầu đưa lồng đèn Phú Bình lên các trang mạng, lên sàn thương mại điện tử để mở rộng tiếp cận.

Người dân làng Phú Bình bày bán những chiếc đèn lồng.

Người dân làng Phú Bình bày bán những chiếc đèn lồng.

Giờ đây, mỗi dịp Trung thu đến, làng lồng đèn Phú Bình lại trở thành điểm đến quen thuộc để người ta đi mua lồng đèn, đi dạo chơi, chụp những bộ ảnh lung linh. Làng lồng đèn mùa Trung thu cũng được đưa vào một số tour du lịch trải nghiệm của TP Hồ Chí Minh và được du khách yêu thích.

Nghề làm lồng đèn dường như đang có sự khởi sắc trở lại, đi cùng với niềm vui, sự hăng hái của những nghệ nhân đã quyết tâm bám trụ với nghề. Hiện nay, trung bình một gia đình nghệ nhân ở làng nghề Phú Bình nhận hàng ngàn đơn lồng đèn vào dịp Trung thu và đó không chỉ là câu chuyện làm kinh tế, kiếm tiền mà còn là sự động viên lớn lao cho những con người đã hết mình duy trì nghề nghiệp của cha ông truyền lại.

Tuy nhiên, với thời cuộc, làng nghề vẫn còn đối diện không ít khó khăn. Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường, làng nghề Phú Bình còn đứng trước nguy cơ mai một khi số lượng người trẻ nối nghiệp ngày càng giảm. Nghề làm lồng đèn đòi hỏi sự kiên nhẫn, tay nghề cao và tình yêu nghề, nhưng trong bối cảnh hiện đại, nhiều người trẻ chọn những nghề nghiệp khác có thu nhập ổn định và điều kiện làm việc tốt hơn. Thế nên, nỗi lo không có thế hệ nghệ nhân kế cận vẫn luôn hiện hữu.

Dù vậy, làng nghề Phú Bình vẫn giữ được một phần hồn cốt nhờ sự nỗ lực của những nghệ nhân lão làng, những người luôn tâm niệm rằng việc duy trì và phát triển nghề làm lồng đèn không chỉ là bảo tồn một nghề truyền thống, mà còn là gìn giữ một phần văn hóa.

Làng nghề lồng đèn truyền thống Phú Bình là một minh chứng cho sự khéo léo, sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của người Việt Nam. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề không chỉ là trách nhiệm của những người làm nghề mà còn là của toàn xã hội, để những nét đẹp truyền thống này không bị mai một theo thời gian.

Đọc thêm