Trả lời phóng viên Báo PLVN về việc xử lý trường hợp bị rút bài như thế nào, đại diện một trường ĐH cho rằng, ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Xu hướng và kết quả tích cực có thể thấy rõ, nhưng cũng đi kèm những rủi ro và vấn đề phát sinh. Việc có một vài bài báo bị rút là điều khó tránh trong môi trường công bố quốc tế đa dạng, nhiều tạp chí với nhiều yêu cầu, chuẩn mực, chất lượng, uy tín khác nhau.
Dù nguyên nhân là gì, việc rút bài ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín nhà nghiên cứu cũng như của nhà trường. Để xử lý vấn đề này, một số trường đã hoàn thiện các quy định, quy trình về liêm chính học thuật; nhấn mạnh vào việc phòng ngừa vi phạm thông qua nâng cao nhận thức và yêu cầu đạo đức cá nhân từ khi bắt đầu dự án, chủ đề nghiên cứu.
Ngoài ra, một số trường cũng yêu cầu tất cả các thành viên, từ viên chức đến người học, có trách nhiệm giám sát và thực hành liêm chính, nhằm xây dựng môi trường khoa học công bằng, minh bạch, đáng tin cậy, góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội và nâng cao uy tín nhà trường, nơi các nhà khoa học đang công tác và cống hiến.
Ở một số trường ĐH khác còn có yêu cầu phải rút tài trợ/thưởng, đưa ra Hội đồng kỷ luật nếu có vi phạm khi nhà nghiên cứu bị rút bài.
Điều đó cho thấy cách xử lý của mỗi trường có thể khác nhau. Có người bị rút một bài thì bị nêu tên, bị kỷ luật; nhưng có người bị rút 3 - 4 bài nhưng “nếu không công bố thì cũng không ai biết”.
Một chuyên gia đánh giá, thực tế trên cho thấy đang có “lỗ hổng” pháp lý trong xử lý sự việc bị rút bài báo khoa học. “Để khắc phục tình trạng này, ở cấp quốc gia, nên chăng có một bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực đạo đức, liêm chính cho các nhà khoa học? Trong đó, quy định chặt chẽ những điều được và không được phép làm, hướng xử lý khi có sai phạm, đặc biệt với các đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước. Giữa các trường cũng nên thống nhất một bộ quy tắc chung, đồng thời có cơ chế bảo vệ nhà khoa học trước những sự cố xảy ra”, chuyên gia này nói.
Một chuyên gia khác cho hay, bản thân các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu những quy trình, thông lệ quốc tế trong hoạt động nghiên cứu của mình. Phải tìm hiểu xem trong trường hợp có bài báo bị rút thì phải làm gì, như phải báo cáo với nhà trường để được hỗ trợ, liên hệ với tạp chí/Ban biên tập nơi có bài báo bị gỡ để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đặc biệt, các Hội đồng kỷ luật phải có trách nhiệm công bố công khai những trường hợp bị rút bài có vi phạm hay không. Và nếu có thì vi phạm lỗi gì, vì ngụy tạo kết quả, đạo văn; hay lỗi từ tạp chí hoặc bên thứ ba.
“Không nên vội vàng quy kết nhà khoa học khi chưa có kết luận, nhất là trong bối cảnh pháp luật qui định còn chưa rõ ràng, đầy đủ, thì xã hội, các phương tiện truyền thông cần có cái nhìn cẩn trọng, khách quan với việc rút bài, không nên đồng nhất việc rút bài với vi phạm liêm chính”, chuyên gia này nói.
“Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư cho khoa học và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc các trường ĐH đầu tư cho khoa học và công bố quốc tế là đúng, cần đẩy mạnh. Tuy nhiên, triển khai cần theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực đạo đức, tránh tối đa rủi ro, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Muốn vậy, phải thường xuyên cập nhật, chia sẻ trong cộng đồng khoa học với nhau, từng bước góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo cơ hội, điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến”, vẫn ý kiến chuyên gia trên.
Trả lời phóng viên Báo PLVN về vấn đề nêu trên, Ban Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cho biết, trong trường hợp có bài báo khoa học quốc tế do Quỹ tài trợ bị gỡ bỏ, thì các Hội đồng khoa học của Quỹ sẽ xem xét xử lý một cách cẩn trọng. Trường hợp có sai phạm hoặc vi phạm đạo đức khoa học, thì chủ nhiệm đề tài và những người liên quan không được tham gia đề tài do Quỹ tài trợ trong 5 năm kể từ ngày có quyết định xử lý vi phạm.
Để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học, thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao, nếu đề tài không đạt kết quả, mục tiêu đặt ra ban đầu vì nguyên nhân khách quan, thì sẽ không thu hồi kinh phí đã tài trợ. Theo khoản 5 Điều 19 Thông tư 37/2014/TT-BKHCN, trường hợp đề tài không đạt, chủ nhiệm đề tài không được đăng ký chủ trì nghiên cứu đề tài mới trong 2 năm kể từ ngày thông báo kết quả.
NAFOSTED cho biết, thực tế thời gian qua có một số nhà khoa học bị rút bài nhưng NAFOSTED đã không rút tài trợ/thưởng, cũng không buộc nhà khoa học phải có động thái tự xử lý về mặt chuyên môn hay rời khỏi vị trí đang công tác; tạo điều kiện cho các nhà khoa học cống hiến sau khi đã hoàn tất việc xử lý vi phạm.
NAFOSTED cho biết, với tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, là công việc thực nghiệm hoặc lý thuyết được thực hiện chủ yếu để có được tri thức mới về bản chất của các hiện tượng sự kiện có thể quan sát được, không bắt buộc phải hướng đến các ứng dụng cụ thể. Kết quả của nghiên cứu khoa học cơ bản không mang lại lợi ích thương mại trực tiếp hoặc tức thời, mà thường được công bố trên các tạp chí khoa học.
Với bản chất là tìm kiếm tri thức mới, hoạt động nghiên cứu khoa học có một số đặc thù như có thể không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, có thể cần thời gian dài để các kết quả được ghi nhận hoặc công nhận… Bên cạnh việc tìm kiếm, khám phá tri thức mới, nghiên cứu khoa học cơ bản có đóng góp quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và công nghệ trình độ cao.