Dùng ý chí cá nhân ra quyết định nghỉ việc là trái pháp luật

Đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, việc ký văn bản được quy định như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức…

Bà Đào Thị Bích (nguyên Giám đốc Cty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa) hỏi: Ngày 20/5/2009 và ngày 10/6/2009, ông Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần giống cây trồng Thanh Hóa không tổ chức họp HĐQT và cũng không thay mặt HĐQT của Công ty ký 2 Quyết định cùng số 147/QĐ/CTG có cùng nội dung cho tôi nghỉ việc, thôi giữ chức Giám đốc của Cty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa (có 100% vốn cổ đông) để hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/7/2009 (và ngày 1/8/2009), trong khi tôi chưa đến tuổi nghỉ hưu và chưa hết nhiệm kỳ giữ chức Giám đốc do HĐQT bầu theo quy định của Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp. Xin hỏi như vậy là đúng hay sai?

4
Việc Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa ra 2 Quyết định cùng số147 (khác ngày) nói trên để buộc bà Đào Thị Bích thôi giữ chức Giám đốc Cty là trái pháp luật.

Theo các quy định của pháp luật và một số văn bản liên quan của công ty, xin trả lời bà như sau:

Khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: “Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH như sau: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và đóng BHXH 20 năm trở lên”. Điều 6 Bộ luật này còn quy định: “Người lao động là ngườ ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động…”.

Như vậy, Luật lao động không hạn chế độ tuổi lao động tối đa phải nghỉ việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Mặt khác, theo Điểm h, Khoản 2, Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005: “HĐQT có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định…”.

Tại Điểm g, Khoản 3, Điều 20 của Điều lệ tổ chức hoạt động Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa, ghi rõ: “HĐQT có nhiệm vụ và quyền hạn sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc và các chức danh quan trọng khác của Công ty. Quyết định mức lương và lợi ích khác của các cán bộ quản lý đó”; Khoản 2 Điều 25 Điều lệ của Công ty này quy định: “… nhiệm kỳ của Giám đốc là 5 năm trừ khi HĐQT và Đại hội đồng cổ đông thường niên xét thấy việc điều hành Công ty không hiệu quả phải bổ nhiệm lại”.

- Về hình thức, căn cứ Điểm a, Khoản 2 Điều 10 Nghị định 110/2004 (ngày 8/4/2004) của Chính phủ về công tác văn thư, quy định: “Ở cơ quan, tổ chức làm việc chế độ tập thể: a/ Đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ chức mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, việc ký văn bản được quy định như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức;…”.

Như vậy, căn cứ nội dung và hình thức được quy định tại các điều luật trên, việc Chủ tịch HĐQT công ty ra 2 Quyết định cùng số147 (khác ngày) nói trên để buộc bà thôi giữ chức Giám đốc Cty là trái pháp luật.

PLVN

Đọc thêm