Trả lời trước Tòa, Dũng thừa nhận dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam mới chỉ được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc chứ chưa được cho phép đầu tư. Nhưng Dũng biện minh rằng, “lúc đó, bị cáo nghĩ như vậy là đúng thủ tục rồi. Vì vậy, HĐQT của Vinalines đã có Nghị quyết triển khai dự án. Lúc này, Bị cáo là Chủ tịch HĐQT. Sau này, bị cáo mới biết triển khai như vậy là sai vì dự án này chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy”.
Liên quan đến việc mua ụ nổi 83M cũ nát, Dũng chối bỏ trách nhiệm và cho rằng, “Bị cáo không định hướng, không chỉ đạo Giám đốc Vinalines mua ụ nổi như thế nào, cũng không biết đoàn cán bộ đi Nga khảo sát ra sao. Chỉ được Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc báo cáo đề xuất mua một ụ nổi do Cty Nakhodka (Nga) bán. Sau đó thì việc mua bán, thanh toán như thế nào thì bị cáo không biết vì không can thiệp vào quyền của Tổng Giám đốc. Quan hệ giữa bị cáo và Tổng giám đốc cũng không tốt lắm”.
Theo Cáo trạng thì vào tháng 8/2007, đoàn cán bộ khảo sát (do bị cáo Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc làm trưởng đoàn) đã sang Liên bang Nga để khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83 M tại cảng Nakhodka, biết ụ nổi này được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006 (không cấp giấy phép đăng kiểm), giá chủ sở hữu đưa ra đàm phán là dưới 5.000.000 USD.
Nhưng sau khi khảo sát, Chiều báo cáo Dũng và Phúc thì được 2 bị cáo này chỉ đạo “phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M thông qua Cty AP, không mua trực tiếp của Cty Nakhodka”.
Tuy nhiên, trả lời trước Tòa, Dũng đã phủ nhận cáo buộc trên và đổ lỗi cho cấp dưới: “Trước khi đoàn khảo sát đi Nga thì bị cáo không có chỉ đạo gì. Trước khi đi thì bị cáo Chiều có đến chào và bị cáo chúc đi may mắn. Khi về nước, Chiều và một người nữa mà bị cáo không nhớ tên có vào chào, ngồi uống nước và báo cáo rằng, ụ nổi hoạt động bình thường, chỉ sửa hết mấy triệu USD là đăng kiểm và hoạt động được, giá là 9 triệu USD và tiền lai dắt về Việt nam là 900.000 USD, mua qua Cty AP của Singapore”.
Trước trả lời này, Chủ tọa phiên tòa đã “vặn” lại, “tại sao bị cáo biết ụ nổi này do một Cty Nakhodka của Nga bán nhưng vấn đồng ý mua ụ nổi từ trung gian là Cty AP của Singapore?”.
Dũng trả lời, bị cáo có hỏi cấp dưới về việc này thì được trả lời “phải mua qua AP vì nếu mua thẳng từ Cty Cty Nakhodka thì thủ tục nhập khẩu sẽ rất khó khăn, phức tạp”.
Và chính cái gọi là “khó khăn phức tạp” này mà Vinalines đã phải bỏ ra 9 triệu USD để mua ụ nổi 83M từ Cty AP mặc dù trước đó, Cty AP chỉ mua ụ nổi này với giá 2,3 triệu USD từ Công ty Nakhodka (Nga), tạo điều kiện cho bên trung gian bỏ túi hàng triệu USD, còn Nhà nước Việt Nam bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.