Dương Chí Dũng và đồng phạm hầu tòa

(PLO) - Hôm nay (12/12), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) TCty Hàng hải Việt Nam- Vinalines) cùng 9 đồng phạm trong vụ án “Tham ô” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinalines. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày…
Ụ nổi bị “thổi giá” gấp 4 lần
Trong vụ án này, 9 bị cáo đã bị cáo buộc về hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước gần 337 tỷ đồng thông qua việc mua ụ nổi 83m trái quy định vào năm 2007. Khi đó, mặc dù chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bổ sung quy hoạch, Dương Chí Dũng - với cương vị là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã ký Quyết định “phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi có sức nâng 15.000 đến 27.000 tấn. Sau đó, Dũng ký một quyết định khác nâng tổng mức đầu tư dự án lên tới 19.500.000 USD. 
Ụ nổi 83M tuy đã được sửa chữa nhưng vẫn không thể sử dụng được
 Ụ nổi 83M tuy đã được sửa chữa nhưng
vẫn không thể sử dụng được
Từ đây, bị cáo Mai Văn Phúc (SN 1957 nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) đã cho thành lập Ban Quản lý Dự án do Trần Hữu Chiều (SN 1952, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines) làm Trưởng ban; Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng Giám đốc Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) làm Phó Trưởng ban và các thành viên gồm: Bùi Thị Bích Loan (Trưởng ban Tài chính- Kế toán); Mai Văn Khang (Phó trưởng ban đóng mới tàu biển - Vinalines). 
Quá trình mua ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng vẫn có 2 Cty gửi thư chào bán  là Cty AP (Singapore) chào bán ụ nổi 220 của Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M; Cty Môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M của Nam Tư). Không hiểu sao, Vinalines lại chỉ khảo sát ụ nổi do Cty AP chào bán.
Thực tế thì ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006 (không cấp giấy phép đăng kiểm), giá chủ sở hữu đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD. Tháng 8/2007, một đoàn cán bộ đã sang LB Nga để khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83 M tại cảng Nakhodka. 
Đoàn cán bộ này (gồm các bị cáo Chiều, Sơn, Khang và Lê Văn Dương- Đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã không làm việc với chủ sở hữu ụ nổi là Cty Nakhodka mà chỉ làm việc với Cty AP (nhà môi giới). Sau khi được đoàn khảo sát báo cáo về tình hình trên, Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo “phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M thông qua Cty AP, không mua trực tiếp của Cty Nakhodka”.
Thực hiện ý kiến này, các thành viên Đoàn khảo sát đều có văn bản phản ảnh không đúng tình trạng thực tế của ụ nổi và khẳng định Cty AP là bên bán ụ nổi. Sau đó, Dương Chí Dũng đã ký Quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi 83M với giá 14.136.000 USD (gồm sửa chữa, lai dắt) rồi điều chỉnh tăng lên 19.500.000 USD (riêng tiền mua là 9.000.000 USD). Vinalines đã giải ngân thanh toán tiền mua ụ nổi 83M cho Cty AP nhưng sau đó ụ nổi này không thể hoạt động được, phải chi phí để sửa chữa, thuê neo đậu, trông coi, bảo quản….
VKSNDTC xác định Dương Chí Dũng và đồng phạm đã cố ý làm trái trong việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam; đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, chi mua thanh toán và nhập khẩu ụ nổi dẫn đến việc gây thiệt hại cho Nhà nước gần 337 tỷ đồng (tính đến tháng 5/2012, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý).
Tiền tham ô dùng để mua nhà tại Hà Nội
Việc Dương Chí Dũng “nhiệt tình” trong việc mua ụ nổi 83M thông qua môi giới của Cty AP cũng đã được CQĐT làm rõ. Đó là do ông Goh Hôn Seow- Giám đốc Cty AP- đã có mối quan hệ thân thiết với Dũng từ năm 2000 nên đã nhờ bị cáo Dũng và Phúc “giúp đỡ” trong quá trình bán ụ nổi cho Vinalines. 
Dương Chí Dũng thời điểm chưa bị khởi tố
 Dương Chí Dũng thời điểm chưa bị khởi tố
Bán ụ nổi cho Vinalines với giá 9 triệu USD thì Cty AP sẽ có lãi "khủng" vì trước đó, Cty này chỉ mua ụ nổi này với giá 2,3 triệu USD từ Cty Nakhodka. Chỉ 5 ngày sau khi nhận được tiền bán ụ nổi, Cty AP đã chuyển 1,666 triệu USD “tiền ăn chia” vào tài khoản một Cty đứng tên em gái của Trần Hải Sơn. Sau đó, Sơn đã rút được hơn 28 tỷ đồng rồi đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng….
Theo lời khai của Sơn, bị cáo này đưa tiền cho Dũng làm 2 lần: lần đầu 5 tỷ, cho vào va li có tay kéo tại Khách sạn Victory (TP.Hồ Chí Minh); lần 2 đưa 5 tỷ tại phòng nhà mẹ vợ của Dũng tại Hải Phòng. Tuy nhiên, tại CQĐT Dũng đã phủ nhận việc nhận 10 tỷ “lại quả” và cho rằng va li mà Dũng nhận tại Khách sạn Victory là đựng rượu ngoại. 
Nhưng qua đối chất và trên cơ sở một số chứng cứ khác, CQĐT vẫn khẳng định Dũng đã tham ô 10 tỷ đồng; đồng thời tiến hành kê biên 3 căn nhà của Dũng tại Hà Nội, trong đó có 2 nhà được coi là Dũng mua từ tiền tham ô trong vụ này.
Ngoài 7 bị cáo là Dũng, Phúc, Sơn, Chiều, Loan, Khang, Dương, trong vụ án này VKSNDTC còn truy tố 3 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa là Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng. Những cán bộ này đã biết ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu, tuổi thọ là 43 năm; không có Giấy phép nhập khẩu; không có Giấy chứng nhận an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường… nhưng vẫn ký xác nhận, tính thuế nhập khẩu rồi làm thủ tục thông quan. Hành vi này đã tạo điều kiện, giúp sức để Dũng và đồng phạm nhập ụ nổi 83M trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đọc thêm