Xử phạt hành chính là điều đương nhiên
Thuật ngữ “hôi của” chỉ là cách nói chung về nạn lợi dụng sơ hở khi người khác gặp nạn để nhặt nhạnh, cướp, lấy đi tài sản. Việc gọi đúng tên sẽ giúp nhận diện được bản chất hành vi để tùy từng trường hợp cụ thể mà cần xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Hay nói như TS Nguyễn Duy Hưng - Trưởng Khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhiều vụ “hôi của” đã xảy ra nhưng vì không ai bị xử lý nên tình trạng này cứ tái diễn.
Việc không xử lý này có nguyên nhân từ xã hội, các cơ quan chức năng chưa nhận định được chính xác bản chất của hành vi. Theo TS Nguyễn Duy Hưng, việc lợi dụng người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí chết hoặc đơn độc không thể quản lý được tài sản để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc…là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể mà cần xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Nếu trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức truy cứu trách nhiệm Hình sự hoặc chưa thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể xử phạt hành chính người vi phạm theo Điểm b Khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 73 ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội:
“hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra”.
“Hôi của” hay công nhiên chiếm đoạt tài sản?
Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi thông tin về vụ lấy bia ở Đồng Nai được truyền thông rộng rãi. Theo Luật sư Nông Thị Hồng Hà (Công ty Luật Hồng Hà) thì tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”.
Cụ thể, trường hợp nạn nhân có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện ngăn cản vì đau, chấn thương… do tai nạn giao thông thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Trường hợp nạn nhân không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt vì choáng, ngất … do tai nạn thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”. Ở vụ việc xảy ra ở Đồng Nai, dựa trên bản chất của hành động thì đây chính là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Được biết, trong vụ việc ở Đồng Nai, khi chứng kiến cảnh người dân lao vào lấy bia, tài xế đã van xin, ngăn cản nhưng vô ích. Từ chi tiết này, Luật sư Giang Văn Quyết cho rằng đây không đơn giản chỉ là công nhiên chiếm đoạt tài sản nữa mà đã có dấu hiệu cướp tài sản.
Đồng suy nghĩ với Luật sư Giang Văn Quyết, Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) cho rằng đây không phải “hôi” mà là “cướp”. “Việc lấy tài sản của người khác như thế thì sẽ cấu thành một trong ba loại hành vi phạm tội sau đây:
Hành vi thứ nhất là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, tức là chủ xe thì có ở đấy nhưng cứ ngang nhiên ra bê, uống, lấy bia..., không sợ chủ xe. Hành vi thứ hai là hành vi cướp, ở đây có thể xem là hành vi cướp. Hành vi thứ ba có thể xem là trộm cắp tài sản” - Luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Công an đã xác định được một số đối tượng tham gia “hôi của”
Thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai ngày 8/12 cho biết, bước đầu công an đã xác định được một số manh mối liên quan, khi đủ chứng cứ sẽ xem xét khởi tố vụ án về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, Cơ quan điều tra TP.Biên Hòa đã vào cuộc xác minh, làm việc với bị hại, lấy lời khai nhân chứng để xác định được một số người tham gia vụ “hôi của” và thu hồi lại được một số bia.
Với những chứng cứ thu thập được, cơ quan công an có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án về hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối với những người có liên quan, nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ xử lý hình sự, nếu dưới 2 triệu đồng sẽ xử lý hành chính.