Đường dây rửa tiền xuyên quốc gia mới lộ 1 mắt xích?

(PLO) -Bị truy tố về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Yang Qing (SN 1972, người Trung Quốc, quốc tịch Hoa Kỳ) khai mình chỉ là người thực hiện chứ không phải chủ mưu.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo hồ sơ công tố, với mục đích vào Việt Nam để “trộm” tiền trong tài khoản của người khác, ngày 22/6/2015, Yang Qing từ Quảng Châu (Trung Quốc) mang theo một máy tính cá nhân hiệu, một thiết bị đọc, ghi dữ liệu thẻ ngân hàng màu đen có mã số MSR606, một thẻ nhớ máy tính có chứa thông tin của các tài khoản sẽ bị đánh cắp, chương trình dùng để tạo thông tin giả lên các thẻ ngân hàng đã có sẵn và một số thẻ ATM nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. 

“Kỷ lục” giao dịch 

Tại TP HCM, Yang Qing được giới thiệu gặp Cao Tổ Nhựt để Nhựt làm phiên dịch cho Yang Qing trong thời gian ở Việt Nam.

Do biết Yang Qing muốn làm quen với một người am hiểu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nên Nhựt nhờ một người tên Thiệp (không rõ lai lịch) giới thiệu Nguyễn Văn Thích là người chuyên môi giới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Yang Qing nói với Thích là có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng đứng tên Yang Qing, thanh toán qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (máy POS), sau đó rút tiền để sử dụng. 

Thích đã giới thiệu cho Yang Qing nhà hàng Hương Việt (địa chỉ số 1 đường Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do Nguyễn Thị Thu Hương làm chủ, có máy POS thuận tiện cho việc sử dụng thẻ để thanh toán.

Thích và Hương biết nhau thông qua cháu của Hương là Nguyễn Thị Thanh Bình. Bình biết Hương cần bán dự án đất ở xã Diên Xuân nên giới thiệu Thích với Hương, cho biết Thích có công ty ở TP HCM chuyên làm trong lĩnh vực tài chính, cho vay mượn tiền trong và ngoài nước, đáo hạn ngân hàng. 

Bình nói Thích có nhiều đối tác ở nước ngoài muốn rửa tiền ở Việt Nam để trốn thuế, có khả năng giới thiệu người mua lại dự án của Hương và hứa sẽ dẫn Thích cùng một số người, trong đó có chủ thẻ ra Nha Trang để rút tiền qua máy POS tại nhà hàng Hương Việt. 

Khi gặp Hương, Thích đặt vấn đề sẽ đưa người về rút tiền qua máy POS tại quán của Hương, nếu Hương đồng ý sẽ chia lợi nhuận. Bình nói Hương chuẩn bị sẵn hợp đồng hợp tác kinh doanh để hợp thức việc rút tiền sau này, và gửi qua email cho Bình. Hương đồng ý.

Chiều 29/6/2015, Yang Qing cùng Nhựt đi máy bay từ TP HCM ra Nha Trang, lưu trú tại khách sạn Nha Trang Star (số 90 Trần Phú, Nha Trang). Trưa hôm sau, hai đối tượng cùng Thích, Bình và Thiệp đến nhà hàng Hương Việt để rút tiền thông qua máy POS. 

Tại đây, Hương đưa bản hợp đồng đã dự thảo ra cho các bên xem lại, hỏi có chỉnh sửa gì thêm không để hợp thức hóa việc rút tiền tại máy POS của nhà hàng.

Ngoài ra, các bên đã thỏa thuận Yang Qing sẽ “quẹt” thẻ qua máy POS tại nhà hàng Hương Việt để chuyển tiền vào tài khoản của Hương. Sau đó Hương sẽ rút tiền rồi chia lại cho mọi người với tỷ lệ chia như sau: Yang Qing 70%, Hương 10%, Thiệp 10%, Bình và Thích mỗi người 5%, Nhựt 1%.

Sau khi thống nhất, Yang Qing mở máy tính cá nhân kết nối mạng Internet, kết nối với thiết bị đọc, ghi dữ liệu thẻ, lắp thẻ nhớ vào máy tính cá nhân và liên lạc bằng điện thoại và internet với một đối tượng người Trung Quốc tên A Đông (chưa rõ lai lịch) bằng tiếng Trung Quốc. 

A Đông gửi cho Yang Qing thông tin tài khoản sẽ bị đánh cắp qua máy tính cá nhân của Yang Qing, đồng thời thông báo cho Yang Qing biết số tiền có thể rút được. Yang Qing sử dụng thẻ không có tiền trong tài khoản đã mang theo để “quẹt” qua thiết bị đọc, ghi dữ liệu thẻ màu đen đang được kết nối với máy tính cá nhân của Yang Qing để nhập thông tin tài khoản của các chủ thẻ bị đánh cắp vào thẻ này. 

Sau đó, Yang Qing dùng thẻ đã được nhập thông tin của tài khoản bị đánh cắp để “quẹt” qua máy POS của nhà hàng Hương Việt và bấm số tiền cần chuyển sang tài khoản của Hương. 

Sau khi thực hiện việc rút tiền của một tài khoản, Yang Qing tiếp tục dùng thẻ này để “quẹt” qua máy đọc thẻ thì thông tin tài khoản đã rút tiền sẽ bị xóa, sau đó tiếp tục nạp thông tin tài khoản khác rồi thực hiện thao tác như trên để chuyển số tiền cần chuyển sang tài khoản của Hương. 

Khi giao dịch chuyển tiền thành công, máy thanh toán sẽ tự động in ra 3 liên hóa đơn. Yang Qing ký giả nhiều chữ ký khác nhau vào các hóa đơn qua mỗi lần giao dịch.

Trong quá trình rút tiền, Nhựt là người giúp Yang Qing cầm hóa đơn in ra từ máy POS và ghi số tiền đã rút vào sổ tay. Tối 1/7/2015, tại bãi biển, Yang Qing đã vứt chiếc thẻ nhớ theo lời dặn của A Đông.

Với thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ 13h đến 16h30 ngày 30/6/2015, Yang Qing đã thực hiện 50 giao dịch chuyển tiền của 42 tài khoản khác nhau đăng ký ở 2 ngân hàng tại Hoa Kỳ. Tổng số tiền giao dịch thành công là hơn 1,5 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản của Hương.

Lộ tẩy vì “lỗi kĩ thuật”

Trong qua trình Yang Qing dùng dùng thẻ giả chuyển tiền từ tài khoản bị đánh cắp sang tài khoản của Hương thì hết giấy in hóa đơn. Yang Qing yêu cầu Hương liên hệ nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Chi nhánh Khánh Hòa để xử lý. 

Ngân hàng đã cử nhân viên đến hỗ trợ. Thấy có dấu hiệu bất thường, nhân viên này đã dùng điện thoại ghi hình lại hành vi của Yang Qing, báo lãnh đạo ngân hàng phong tỏa tài khoản của Hương và báo cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. 

Công an Khánh Hòa đã khám xét, thu giữ các công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội và bắt khẩn cấp đối với Yang Qing. Tại CQĐT, Yang Qing đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Ngày 25/8/2016, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, Yang Qing khai: “Tôi đến Việt Nam để giúp A Đông rút tiền, A Đông nói qua đây có người giúp đỡ cho tôi, tiền đó là tiền tham nhũng của cán bộ Trung Quốc”. 

Chủ tọa hỏi: “Tại sao biết tiền đó là tiền tham nhũng?”. Bị cáo khai: “A Đông nói số tiền đó là của một tham quan ở Trung Quốc”. 

Bị cáo Yang Qing trước vành móng ngựa
 Bị cáo Yang Qing trước vành móng ngựa

Tòa truy tiếp, bị cáo bàn bạc ăn chia với A Đông như thế nào? Yang Qing khai: “Nếu giao dịch thành công, tôi nhận 15%, còn A Đông bao nhiêu tôi không biết”. Hỏi tiếp: “Tại sao tại lời khai là 45% A Đông cho phía Việt Nam”? Yang Qing bảo không rõ:

“Khi bị bắt tôi đã khai đúng sự thật cho Công an Việt Nam để mong làm rõ rằng tôi chỉ là người đi thực hiện chứ không phải là kẻ chủ mưu, trước đó A Đông cũng đã đặt vấn đề này với tôi nhiều lần nhưng tôi không đồng ý, vì sau đó do bị thất nghiêp, công việc làm ăn khó khăn nên tôi đã đồng ý giúp A Đông để kiếm tiền. Tại sao sự vụ bị lộ chỉ bắt một mình tôi, còn những người khác thì lại vô can”. 

Do đó, Tòa quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Theo nhận định của HĐXX, lời khai của bị cáo có trong vụ án và tại phiên tòa, bị cáo được một người tên A Đông (quốc tịch Trung Quốc) nói sang Việt Nam rút tiền từ ngân hàng, số tiền này là của bọn tham quan lấy tiền của dân. A Đông và người ở Việt Nam sắp xếp mọi việc.

Sự việc thành công phía Việt Nam sẽ lấy 45%, bị cáo lấy 15%, còn lại là của A Đông, đến Việt Nam sẽ có người đến liên lạc. Mọi kế hoạch rút tiền, như: chọn địa điểm có máy POS; số tiền rút được chuyển vào tài khoản nào, chuyển bao nhiêu tiền và việc ăn chia của những người phía Việt Nam đều do những người trên quyết định. Bị cáo chỉ kết nối máy tính vào máy móc và thực hiện theo sự chỉ dẫn của A Đông.

Cao Tổ Nhật, Thiệp, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Thị Thanh Bình và Nguyễn Thị Thu Hương biết bị cáo Yang Qing không phải là chủ thẻ cũng như số tiền trong thẻ có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng vẫn giúp bị cáo rút tiền thông qua máy POS đặt tại nhà hàng Hương Việt để ăn chia theo tỷ lệ. Do đó cần điều tra làm rõ vai trò của những người trên để xử lý theo quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Mặt khác, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, CQĐT chưa tiến hành xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật, nên cũng cần phải điều tra làm rõ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. 

Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, VKS đã chuyển hồ sơ lại sang tòa. 

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Ngày 19/9/206 TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 đưa bị cáo Yang Qing ra xét xử và tiếp tục trả hồ sơ. Cũng như lần trước, chỉ vài ngày sau đó, VKS lại giữ nguyên quan điểm và chuyển hồ sơ sang tòa. 

Do đó, ngày 30/9/2016, tòa buộc phải đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định hành vi của bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân với số tiền lớn, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân đề nghị xử phạt Yang Qing từ 10 đến 12 năm tù. 

Luật sư bào chữa cho bị cáo tiếp tục yêu cầu tòa trả hồ sơ vì vụ án còn có đồng phạm chưa được điều tra làm rõ, cũng như các chủ thẻ bị mất tiền là ai... 

HĐXX cho rằng đã 2 lần trả hồ sơ yêu cầu làm rõ vai trò của Cao Tổ Nhựt, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Thị Thu Hương và Nguyễn Thị Thanh Bình trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật tránh bỏ lọt tội phạm, xác minh lấy lời khai của người bị hại theo đúng quy định của pháp luật, nhưng VKSND tỉnh Khánh Hòa không điều tra bổ sung. 

Do giới hạn xét xử nên HĐXX chỉ xét xử các hành vi mà VKS đã truy tố với Yang Qing, tuyên phạt Yang Qing 10 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Đối với Thích, Bình, Hương và Nhựt là những người giúp Yang Qing thực hiện hành vi chuyển tiền từ tài khoản bị đánh cắp vào tài khoản của Hương, theo cáo trạng, hiện nay cơ quan An ninh điều tra chưa xác định được một số đối tượng.

Còn Cao Tổ Nhựt đã bỏ trốn đi khỏi địa phương, nên chưa làm rõ được ý thức chủ quan của các đối tượng trên. Do vậy chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng này với vai trò đồng phạm, khi nào có đủ căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.

Đọc thêm