Tuyến đường nói trên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.Hà Nội, dài hơn 5 km (đoạn Mai Dịch đến cầu Thăng Long), với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng; trong đó giá trị xây lắp hơn 800 tỷ, phần còn lại là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Điều nay chứng tỏ mặt bằng đang là “khâu” quan trọng đối với tiến độ của tuyến đường kết nối giao thông nội đô Hà Nội với Sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc.
Mặt bằng giao trước, đền bù nhận sau
Công trình này khởi công từ đầu tháng 10/2016, nhưng hiện vẫn chưa thể thi công tổng lực, đồng loạt do mặt bằng chưa hoàn toàn “sạch”. Theo đại diện chủ đầu tư, tổng diện tích chiếm đất của dự án là hơn 391.996m2, liên quan đến gần 800 hộ dân và 55 cơ quan, tổ chức… thuộc địa bàn 2 quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm. Trong đó, khu vực quận Cầu Giấy, diện tích phải thu hồi, bàn giao mặt bằng là 32.094 m2, với tổng cộng 245 phương án hỗ trợ, đền bù.
“Đến nay, quận đã phê duyệt 223/245 phương án bồi thường, hỗ trợ. Và đã tiến hành chi trả hỗ trợ 70/223 phương án. Phần lớn diện tích ở đây là đất nông nghiệp, trước các hộ dân tự chuyển đổi sang đất ở hoặc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do thời gian chuyển đổi diễn ra cách nay khá lâu nên thành phố đồng ý áp dụng cơ chế hỗ trợ cho bà con được hưởng 40% khung giá đất sản xuất kinh doanh để bà con bớt thiệt thòi, từ đó đồng thuận chủ trương của quận và thành phố để công trình sớm được thi công.”, ông Trần Đông Dực - Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy cho hay.
|
Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy: “Đã phê duyệt 223/245 phương án bồi thường, hỗ trợ, và đã chi trả 70/223 phương án” |
Cũng theo Ban này, đến cuối tháng 2/2017, đã có 20 hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng; số hộ tự nguyện nhận tiền hỗ trợ, đền bù và tái định cư đang ngày một tăng lên. “Việc này, chúng tôi chỉ đạo rất sát sao nên ngay trước thời điểm khởi công dự án, quận đã bàn giao cho chủ đầu tư hơn 10.000m2 đất của 13 cơ quan, tổ chức phía Đông đường Phạm Văn Đồng. Đáng chú ý, một số đơn vị trong số này đã gương mẫu bàn giao mặt bằng trước rồi sau đó họ mới nhận hỗ trợ”, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh thông tin thêm.
Được biết, riêng với địa bàn quận Bắc Từ Liêm, do khối lượng công việc lớn, diện tích thu hồi rộng nên chính quyền đang nỗ lực kiểm đếm phục vụ công tác đền bù.
Cuối tháng 4, có mặt bằng “sạch”?
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc khởi công, hoàn thành và sớm đưa tuyến đường này vào khai thác sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đồng thời tạo mặt bằng để Bộ GTVT tiến tới đầu tư công trình cầu cạn cùng tuyến, qua đó từng bước hoàn thành, khép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch GTVT của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
“Quận ủy và UBND quận Cầu Giấy xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Ở Quận ủy có một Tổ vận động GPMB, với sự tham gia của lãnh đạo và một số tổ chức chính trị - xã hội. Về phía chính quyền, đích thân đồng Chủ tịch UBND quận cũng xuống tận cơ sở để đối thoại, và vận động người dân… Vì thế, có những trường hợp khó như việc di dời một trong hai khu mộ tổ của một dòng họ trên địa bàn phường Mai Dịch đã được chúng tôi giải quyết xong với phương án rất thấu tình, đạt lý”, Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy cho biết.
Đến thời điểm này, quỹ thời gian cho công tác thu hồi đất phục vụ dự án không còn nhiều nên ngoài việc vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận, một số trường hợp nếu không chấp hành chủ trương của TP.Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy sẽ lên phương án cưỡng chế GPMB. “Cụ thể, quận đã ban hành 54 Quyết định cưỡng chế gửi tới các hộ trên địa bàn để phục vụ việc thu hồi đất”, lời Trưởng ban Dực.
Cũng vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh cho biết thêm, đây đang là giai đoạn quận phải dồn lực cho dự án theo đúng tình thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và sẽ quyết tâm hoàn thành những nội dung đã cam kết với UBND thành phố. “Từ đầu năm đến nay, quận họp, chỉ đạo liên tục, có tuần báo cáo, họp bàn tới hai lần. Ngoài ra, còn thông qua nhiều kênh vận động người dân ở cơ sở, với mục tiêu là sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công trước 30/4, chậm nhất đến tháng 5 này, chắc chắn phải xong”, ông Thanh khẳng định./.
Võ Tuấn
Triển khai dự án với tình thần “ba song song”
Đối với dự án này, liên danh nhà thầu (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty 319) sẽ tiến hành với chủ đầu tư, đơn vị GPMB trên tinh thần là “ba song song”. Tức là vừa làm, vừa thi công kết hợp giải phóng và giao nhận mặt bằng. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ cùng với các cơ quan chức năng của địa phương tham gia điều tiết giao thông đi lại từ của ngõ phía Bắc vào nội đô Hà Nội cũng như tại địa bàn thi công công trình, với tinh thần đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối”, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.