Được “ưu ái” toàn quyền sử dụng đường
Tỉnh lộ 541 được Chính phủ phê chuẩn xây dựng từ năm 2011. Tuyến đường huyết mạch khiến nhân dân trông chờ được rải nhựa, mở rộng giúp khoảng cách từ vùng biên ra trung tâm được rút ngắn hơn. Đường từ ngã ba Phú Phương vào xã Đồng Văn (Quế Phong) hình thành, bà con nhân dân nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Thanh, Thái, Khơ Mú… hết sức phấn khởi.
Con đường thuận lợi tạo điều kiện cho địa phương thay đổi được bộ mặt, tạo đà phát triển kinh tế và thực tế cũng đã có những thay đổi rõ rệt. Tuyến đường nối liền tiếp giáp với cửa khẩu Thông Thụ tiếp giáp Lào và đất Tân Xuân (Thanh Hóa) nên có tầm quan trọng chiến lược về cả kinh tế - văn hóa - xã hội và cả an ninh quốc phòng…
Những "ổ gà", "ổ voi" trên tuyến đường tỉnh lộ 541 |
Tuy nhiên, hiện tượng hai bên mương thoát nước có dấu hiệu bị sụt lở, nhiều đoạn đường ổ gà, ổ voi sụt lở, nứt… khiến lưu thông gặp không ít khó khăn, nhân dân hết sức bức xúc vì trước khi thủy điện Hủa Na chưa xây dựng thì con đường thảm lụa rất đẹp.
Mục sở thị “con đường đau khổ” vùng biên Nghệ An này có thể thấy nhiều hố lớn mặt đường, nhiều đoạn bị bong tróc, đá nổi lên khiến lưu thông hết sức khó khăn. Có nhiều đoạn taluy sạt lở, có những đoạn bong tróc kéo dài vài chục mét, xe phải đi từng mét một….
Mặt đường bong tróc, lớp đá trồi lên gây khó khăn lưu thông |
Những hiện tượng trên xuất hiện từ khi dự án Thủy điện Hủa Na được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Đồng Văn (Quế Phong) do Cty CP Thủy điện Hủa Na là chủ đầu tư (gọi tắt là CTy HHC).
Trước đó, đường mới được thi công còn bằng phẳng và chưa có dấu hiệu hư hỏng. Tuy nhiên, tuyến đường thiết kế với tiêu chuẩn cấp thấp, không phù hợp với điều kiện vận tải siêu cường, siêu trọng…, nên khi có dự án thủy điện đầu tư, Sở GTVT Nghệ An đã có báo cáo UBND tỉnh về chủ trương bàn giao lâm quản tuyến đường miền Tây Nghệ An cho phía Cty HHC sử dụng và quản lý.
Chủ trương của Sở GTVT Nghệ An được Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền phê chuẩn đồng ý tại công văn số 3888 ngày 8/7/2011. Theo đó, tỉnh đồng ý với việc: Giao cho Cty HHC quản lý, tiếp quản đoạn đường tuyến phía Tây Nghệ An đoạn từ Km0-Km30 trong quá trình thi công nhà máy. Công ty HHC chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng trong quá trình khai thác và hoàn trả nguyên trạng theo thiết kế để bàn giao lại tuyến đường cho địa phương khi công trình thi công xong.
Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã bàn giao cho phía Cty HHC trong hai lần về việc tiếp quản và sử dụng con đường này cho các hoạt động vận tải phục vụ dự án.
Người dân bức xúc vì công ty liên tục “thất hứa”
Khi thủy điện Hủa Na bắt đầu cho vận hành các tổ máy hoạt động phát điện Cty HHC đã có biên bản bàn giao tuyến đường cho Sở GTVT. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở GTVT Nghệ An nhận thấy từ khi nhận bàn giao lâm quản tuyến đường Km9+500 – Km30 phía HHC chưa coi trọng việc quản lý và duy tu tuyến đường nên nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng; Rãnh dọc nhiều đoạn bị bồi lấp, mất khả năng thoát nước, không được nạo vét kịp thời, lề đường nhiều đoạn bị xe đè vỡ…
Sở GTVT đã yêu cầu đơn vị này sữa chữa những hư hỏng nói trên.
Từ chỗ nhân dân trong vùng đang được Nhà nước đầu tư con đường đẹp để phát triển, để thuận tiện cho giao thông đi lại thì được “ưu ái” giao cho công ty HHC “toàn quyền quyết định”. Người dân không còn được đi trên con đường bằng phẳng, được thảm nhựa như trước mà là những "ổ gà", "ổ voi" chi chít trên mặt đường, nhiều điểm sạt lở, mương thoát nước bị hư hỏng và tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy trong mùa mưa bão.
UBND tỉnh Nghệ An và Sở GTVT liên tục có các văn bản yêu cầu Cty HHC thực hiện nghiêm túc cam kết, khẩn trương tiến hành sửa chữa và bàn giao lại tuyến đường cho Sở GTVT Nghệ An quản lý.
Tuy nhiên, mãi vẫn không thấy phía HHC thực hiện sửa chữa con đường như cam kết trước đó, còn tuyến đường vẫn tiếp tục xuống cấp trầm trọng.
Một người dân trong vùng bức xúc: “Trước đó con đường đẹp lắm, mà xe của nhà máy thủy điện chạy qua ầm ầm, xe tải trọng lớn làm đường hư hỏng nhiều quá. Nghe nói là công ty sẽ sửa sau khi xây dựng xong mà nhà máy đi vào hoạt động gần 3 năm nay nhưng đường thì càng ngày càng xấu đi, nhiều người đi xe không vững bị bổ (đổ ngã - PV) khi đi trên đường đồi núi xuống gặp ổ gà, gặp đường quá nhiều đá…”.
Lớp đá bong tróc được người dân dẹp sang một bên |
Ông Trịnh Bảo Ngọc, Giám đốc Cty HHC cho biết, con đường đáng lẽ đã thi công sửa chữa lại từ những năm trước nhưng do thời điểm kinh tế khó khăn nên chưa thể thực hiện.
“Hiện hồ sơ đã được phê duyệt, chúng tôi đang làm thủ tục để mở thầu rộng rãi, dự án ước tính khoảng 15-20 tỷ đồng. Phía tỉnh và Sở GTVT cũng đã có nhiều công văn yêu cầu công ty thực hiện nhưng do khó khăn kinh tế, năm nay công ty vay vốn để thực hiện tu sửa lại tuyến đường, dự kiến khoảng tháng 10/2016 sẽ hoàn tất bàn giao cho Sở GTVT quản lý…”, ông Ngọc nói.
Việc ưu ái để đơn vị thi công thực hiện dự án thủy điện là chủ trương địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng thủy điện và là điều nên làm. Tuy nhiên, không phải vì “ưu ái” quá mà để nhân dân bị thiệt thòi, phải đi trên con đường hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều mối nguy.
Sau nhiều lần Cty HHC liên tục thất hứa thì vị giám đốc cho rằng trong tháng 10 năm nay dự án sẽ hoàn thành. Liệu "lời hứa" tiếp theo này có thực hiện được không?. Câu trả lời xin chờ vào hành động của phía Cty HHC trong thời gian tới.