Dương Tự Trọng lĩnh 18 năm tù, khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước

(PLO) - Chiều nay, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã công bố bản án và hình phạt đối với Dương Tự Trọng cùng đồng phạm. Cũng trong phiên tòa chiều nay, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật Nhà nước dựa trên lời khai của Dương Chí Dũng và các bị cáo tại phiên tòa.
Dương Tự Trọng lĩnh 18 năm tù, khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước
Chuyển khung hình phạt so với nội dung truy tố 
Sau hơn một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên án:  Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an) bị phạt 18  năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo HĐXX thì Trọng có vai trò chủ mưu, cầm đầu, là người lên kế hoạch, phân công chỉ đạo các bị cáo khác, cung cấp tiền, phương tiện, điện thoại…tạo điều kiện cho Dương Chí Dũng (anh trai Trọng) trốn chạy. 
Là cán bộ công an cao cấp, có nhiều nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm, Trọng đã sử dụng kinh nghiệm của mình để thực hiện hành vi phạm tội. Trong quá trình xét xử, bị cáo này còn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. 
Tuy Trọng không thừa nhận hành vi của mình nhưng hành vi đó đã biểu lộ qua lời khai của Vũ Tiến Sơn về quá trình đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, từ việc Trọng gọi Sơn lên phòng làm việc, đưa tiền, điện thoại…Lời khai này còn được khẳng định qua lời khai của các bị cáo khác.
Về đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, HHĐX thấy rằng hành vi tiết lộ thông tin và hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng là khác nhau, không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với chi tiết mà Dương Chí Dũng khai ra việc được một lãnh đạo Bộ Công an tiết lộ thông tin, khiến ông Dũng bỏ trốn. 
Việc tổ chức Dũng trốn ra nước ngoài đã gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án Vinalines, tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu không bắt được Dương Chí Dũng thì sẽ không thu hồi được tiền thiệt hại cho Nhà nước….
Hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng nên tất cả các bị cáo gây ra phải chịu hình phạt theo Khoản 3, Điều 275 BLHS.  Hậu quả đến đâu thì các bị cáo phải chịu đến đó. Việc VKS chỉ truy tố 2 bị cáo tại Khoản 3, Điều 275 BLHS là không chính xác.
Bị coi là người có vai trò thứ 2 Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA TP Hải Phòng) bị xử phạt 13 năm tù. HĐXX cho rằng bị cáo là người thay mặt Trọng chỉ đạo các bị cáo khác trong quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn theo hành trình Hà Nội- Quảng Ninh- Tp Hồ Chí Minh- Tây Ninh- Campuchia.
Các bị cáo còn lại tham gia giúp sức cho Dũng trốn ra nước ngoài có mức án như sau: 
Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, nguyên Cán bộ phòng CSĐT tội phạm về Môi trường, CA TP Hải Phòng) được cho là người giúp sức đắc lực, đưa Dương Chí Dũng đi Quảng Ninh, rồi đi TP Hồ Chí Minh, nhiều lần nghe điện thoại chỉ đạo của Sơn, Trọng trong quá trình đưa Dũng đi trốn, bị xử 5 năm tù
Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi, nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CA Hải Phòng) là người chuẩn bị phương tiện đưa Dũng vào TP Hồ Chí Minh, nhiều lần nghe điện thoại chỉ đạo của Trọng, Sơn, bị xử phạt 6 năm tù.
Đồng Xuân Phong (39 tuổi, quê Hải Phòng, nguyên cán bộ Hải quan, thời điểm tổ chức cho Dũng trốn chạy đang bị truy nã do liên quan đến buôn lậu) đã thực hiện tội phạm một cách tích cực, là người đưa Dũng sang Campuchia và sau đó còn cung cấp tiền cho Dương Chí Dũng, bị xử phạt  7 năm tù
Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, 45 tuổi, quê Bắc Kạn), bị xử phạt 8 năm tù
Phạm Minh Tuấn (52 tuổi, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) bị xử phạt 5 năm tù. Tuy bị cáo này không nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX cho rằng, Tuấn biết việc đưa Dũng đi trốn. Việc Dũng là quan chức cao, đi bất thường vào ban đêm, có điểm bất thường nên bị cáo có nhận thức được việc Dương Chí Dũng bỏ trốn.
HĐXX khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”
Sau khi công bố bản án, Chủ tọa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự  “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 BLHS. Căn cứ vào lời khai của Vũ Tiến Sơn, nhân chứng Dương Chí Dũng (về việc có người gọi điện, báo tin việc khởi tố bị can, bắt tạm giam cho Dương Chí Dũng vào chiều tối 17/5/2012, khuyên Dũng tạm lánh), đề nghị của Kiểm sát viên, quy định về danh mục Mật của Bộ Công an…., HĐXX thấy có dấu hiệu của tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”. Ngoài việc công bố tại Tòa thì Quyết định này còn được gửi tới VKSND Tp Hà Nội
Trước đó, trong bản án, HĐXX cũng nhận định rằng, vụ án tại Vinalines là chuyên án đang được Bộ công an điều tra. Thông tin khởi tố vụ án, khởi tố bị can và những thông tin khác là tuyệt mật. Trên thực tế, Dũng đã bỏ trốn trước khi công bố Quyết định khởi tố và đã ghi việc mình được thông tin trong nhật ký hành trình bỏ trốn. 
Trong khi đó, bị cáo Sơn cũng khai ra việc được Trọng nói là “có ông anh ở Bộ gọi điện thông báo”. HĐXX thấy đề nghị của KSV về việc khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật công tác” là hợp lý.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị VKSND TP Hà Nội báo cáo VKSNDTC về việc Dương Chí Dũng có lời khai về việc đưa 510.000 USD; đưa 20.000 USD; đưa 10.000 USD cũng như việc Dũng đưa 20 tỷ đồng liên quan đến dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát.

Đọc thêm