Để triển khai thi hành Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 64 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó có quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác; quy định một số nguyên tắc bảo đảm hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp; quy định việc tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới. Thiết thực đưa bản Hiến pháp vào cuộc sống, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp cũng như hướng dẫn thi hành Nghị quyết 64 của Quốc hội.
ông Uông Chu Lưu |
Trong Kế hoạch triển khai có một số điểm cần lưu ý. Trước hết, UBTVQH xác định mục tiêu cần phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp một cách sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn đến tất cả các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức và cả kiều bào ta ở nước ngoài. Thứ hai là hiểu rõ hơn các công việc cụ thể mà các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần phải thực hiện để triển khai thi hành Hiến pháp. Thứ ba là để bảo đảm quy định Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với yêu cầu phải làm khẩn trương, toàn diện, khách quan, hiệu quả và tiết kiệm.
Kế hoạch cũng đề ra các nhóm công việc chính. Một là, tuyên truyền phổ biến Hiến pháp với những việc bao gồm tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp vào ngày 8/1; tổ chức hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ từng chế định của Hiến pháp cũng như để làm rõ tinh thần và nội dung, các ý nghĩa tích cực, tiến bộ của Hiến pháp; rà soát lại tất cả tài liệu, giáo trình giảng dạy về Hiến pháp trong các học viện, nhà trường để bảo đảm các quy định mới của Hiến pháp được kịp thời sửa đổi, bổ sung và có kế hoạch biên soạn lại một cách cơ bản, bài bản, có tính chất đồng bộ các chương trình, tài liệu để giảng dạy trong hệ thống học viện, nhà trường, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Nhóm thứ hai là công việc liên quan đến việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới để đảm bảo phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp. Đây là công việc hết sức nặng nề, phức tạp với khối lượng rất lớn những văn bản luật, pháp lệnh, các văn bản dưới luật cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung, bảo đảm hiệu lực của Hiến pháp. Chúng tôi sẽ có lộ trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Không chỉ là đạo luật cơ bản quy định những vấn đề nền tảng, cốt lõi của quản lý Nhà nước và xã hội, Hiến pháp sửa đổi lần này có rất nhiều quy định có hiệu lực trực tiếp. Chẳng hạn như những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Chương II hay những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử, trong đó có những quy định nguyên tắc nhưng cũng có những quy định cụ thể, có thể áp dụng được ngay.