Em bé sẽ thế nào khi 'ăn' thuốc tránh thai của mẹ?

(PLO) - Đúng như người mẹ nghi ngờ, sau khi cho biết về lịch trình sử dụng thuốc tránh thai, bác sĩ Phúc đã tìm ra mấu chốt của vấn đề. Người mẹ kể rằng, chị rất dễ dính bầu nhưng chồng lại không chấp nhận dùng bao cao su nên sinh con xong chị lại phải uống tiếp. Vậy nên, rất có thể chính đứa trẻ đã “ăn” thuốc tránh thai của mẹ.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị dậy thì sớm
Nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị dậy thì sớm

Vú con to bất thường vì mẹ uống thuốc tránh thai

Một người mẹ trẻ dẫn theo một cô con gái nhỏ mới 22 tháng tuổi đến bệnh viện Xanh Pon. Gặp bác sĩ Trần Văn Phúc, chị khẩn khoản nhờ bác sĩ khám cho con gái của mình. Chị bảo: “16 tuổi, tôi là đứa con gái ngực phẳng, vậy tại sao con tôi mới 16 tháng tuổi mà vú đã khá to? Và bây giờ cháu 22 tháng, thì cặp vú trông giống hệt như vú của tôi lúc 18 tuổi?”. 

Trước đó, người mẹ đã đưa con đi khám một số bác sĩ, không ai điều trị gì và kết luận bình thường. Nhưng những lời giải thích của bác sĩ không làm chị cảm thấy yên tâm. Rõ ràng, một đứa trẻ 22 tháng tuổi mà có vú giống vú mẹ lúc 18 tuổi thì kết luận bằng hai chữ “bình thường” sẽ không thể nào chấp nhận được.

Đúng như người mẹ nghi ngờ, sau khi cho biết về lịch trình sử dụng thuốc tránh thai, bác sĩ Phúc đã tìm ra mấu chốt của vấn đề. Người mẹ kể rằng, chị rất dễ mang bầu nhưng ông chồng lại không chấp nhận dùng bao cao su. Vừa mới dừng thuốc tránh thai thì chị đã bị chậm kinh. Vậy nên, đẻ xong chị lại phải uống tiếp. 

Trẻ em từ lúc sinh ra cho đến khi 2 tuổi sẽ chịu ảnh hưởng một lượng hormone giới tính nữ có tên là Estrogen, truyền từ mẹ sang con qua đường máu hoặc sữa. Nếu hàm lượng Esreogen cao thì tuyến vú của trẻ sẽ phát triển như thiếu niên dậy thì. Nhưng sau thời kì bú mẹ, kích thước của vú giảm dần rồi trở lại bình thường, nên không có gì đáng lo ngại.

Riêng trong trường hợp trên, có thể đứa trẻ đã bị ảnh hưởng khi người mẹ dùng thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai có hàm lượng Estrogen cao, nên để an toàn bác sĩ đều khuyên sau dừng thuốc 3 – 6 tháng mới có chửa. Khi cho con bú cũng không nên dùng thuốc có nồng độ Estrogen cao.

Giải mã những nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em 

Được biết, những năm 1980, dậy thì sớm được coi là trẻ dậy thì trước 11 tuổi, nay đã giảm xuống 10 tuổi. Nhưng kết quả từ các nghiên cứu thống kê thấy rằng, số trẻ dậy thì bắt đầu từ 8 tuổi khá nhiều. Theo các chuyên gia y tế, thì có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ dậy thì sớm. Có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu như do hormone giới tính, chế độ dinh dưỡng, sự tác động của các yếu tố xã hội như tiếp xúc với sách báo và phim ảnh...

Cụ thể, trong chế độ dinh dưỡng, nếu trẻ được ăn quá nhiều các loại đồ ăn vặt không lành mạnh như bim bim, đồ chiên rán, nước ngọt có ga, các loại thịt chế biến sẵn… sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì. Hàm lượng chất béo động vật cao làm tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin dẫn tới trẻ bị dậy thì sớm. Mặt khác, hấp thu nhiều protein chay sẽ giúp trì hoãn quá trì dậy thì và cũng bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Hay việc sử dụng nhiều các loại thực phẩm như thịt, sữa, rau… chứa nhiều hormone tăng trưởng cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị dậy thì sớm.

Một nguyên nhân khác nữa là do trẻ bị phơi nhiễm với các hóa chất môi trường. BPA – một hóa chất được tìm thấy trong hộp nhựa, màng bọc thực phẩm, chất hàn răng, chai đựng nước và đồ chứa thực phẩm khác có thể ngấm vào thực phẩm và gây tàn phá bên trong cơ thể. Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm với BPA là một trong những nguyên nhân gây dậy thì ở bé gái. Phthalates, một dạng khác của hóa chất tiềm ẩn có trong mỹ phẩm, keo xịt tóc và chất khử mùi cũng có thể dẫn tới phát triển ngực sớm ở bé gái.

Các dẫn xuất Phthalate được xác định là các Xenoestrogen, do đó chúng sẽ là  những chất làm rối loạn nội tiết (Endocrine disruptors), cụ thể là làm rối loạn hệ thống hoóc môn giới tính và gây ra dậy thì trước tuổi ở cả bé gái lẫn trai. Ở bé gái, khi cơ thể chưa dậy thì nhưng bị tác động của một lượng lớn dẫn xuất Phthalate, các Xenoestrogen thật sự, lượng Estrogen ngoại lai này cũng sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra các hormon hướng dục (Gonadotropins) “đánh thức” buồng trứng làm việc và gây ra dậy thì sớm. 

Hay một dẫn chứng khác mà bác sĩ Phúc chia sẻ, năm 2011, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phải kiểm tra gắt gao và cấm hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ Đài Loan chứa hàm lượng Xenoestrogen cao như bánh kẹp, sữa, thạch, nước rau câu, nước giải khát cùng một số đồ dùng khác.

Bên cạnh các nguyên nhân trên thì việc trẻ sớm tiếp xúc với phim ảnh, văn hóa phẩm có liên quan đến giới tính cũng khiến não bị kích thích rồi khởi động quá trình dậy thì. 

Với trẻ em, dậy thì sớm có thể gây ra các vấn đề về thể chất cũng như tâm lý  khiến trẻ có tầm vóc thấp hơn so với mức trung bình khi ở tuổi trưởng thành… Để hạn chế những hậu quả của dậy thì sớm gây ra cho các em, bác sĩ Phúc có lời khuyên với các bậc phụ huynh rằng: “Với những trẻ gái phì đại tuyến vú sau cai sữa, thường là 3 – 4 tuổi, thì phải nghĩ ngay đến dậy thì sớm.
Các dấu hiệu cần phải theo dõi chặt chẽ, như âm vật to, mọc lông mu, có kinh; và cần thiết phải khám ngay bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị kịp thời. Khi có dấu hiệu dậy thì sớm, bác sĩ cần thiết phải cho xét nghiệm định lượng hormone, siêu âm tuyến vú, siêu âm kết hợp với chụp cộng hưởng từ để đánh giá tử cung buồng trứng, chụp Xquang đánh giá phát triển của xương.
Như vậy, với hầu hết trẻ bị chứng phì đại tuyến vú, nếu dưới 2 tuổi thì không có gì phải lo lắng. Những trường hợp sau đây phải đến ngay bác sĩ: vú to nhanh, nhất là sau khi cai sữa vẫn tiếp tục to. Vú đã nhỏ lại nhưng lại tiếp tục to trở lại. Trẻ trên 3 tuổi bị vú to. Có thêm bất kì một dấu hiệu nào của dậy thì sớm: âm vật phì đại, mọc lông mu và nách, có kinh nguyệt”.